Thử nghiệm đi bộ là gì ?

Thử nghiệm đi bộ là một xét nghiệm cho phép đánh giá khả năng hoạt động của tất cả mọi đối tượng khỏe mạnh hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nó được chỉ định trong trường hợp có khó thở xuất hiện khi gắng sức hoặc tăng lên do gắng sức.

Bạn được đề nghị đi bộ trong khoảng 6 phút để đánh giá xem bạn có thể đi được khoảng dài nhất là bao nhiêu mét. Trong thực hành, thử nghiệm này được thực hiện ở một hành làng đủ dài và cho phép bạn được nghỉ khi cần. Thử nghiệm được thực hiện khi bệnh nhân thở khí trời.
Các chỉ số được đo trong quá trình thực hiện thử nghiệm đi bộ:
– Khoảng cách đi được tính bằng mét. Giá trị này được đem so sánh với giá trị bình thường có tính đến tuổi, giới, chiều cao cân nặng. Khoảng cách này thông thường ở người đàn ông 40 tuổi khỏe mạnh cao 1,75m và nặng 75kg là 680m, nó giảm dần theo tuổi.
– Tần số tim và độ bão hòa oxy trong máu cả 2 giá trị này đều được theo dõi trong suốt quá trình đi bộ bằng một bộ phận nhận cảm gắn ở đầu ngón tay của bạn và nối với một cái túi bạn đeo bên mình. Thông thường độ bão hòa oxy trong máu không thay đổi trong quá trình thực hiện thử nghiệm. Nếu độ bão hòa oxy (SaO2) giảm khi gắng sức > 4% so với bình thường thì người ta gọi đó là hiện tượng mất bão hòa oxy khi gắng sức nó là bằng chứng của sự kém thích nghi đối với gắng sức.
– Khó thở được đánh giá vào thời điểm cuối của thử nghiệm đi bộ. Triệu chứng này có thể định lượng được: từ 0 (không khó thở) đến 10 (khó thở tối đa) bằng một thước đo.
Thử nghiệm đi bộ cho phép biết được khả năng thích nghi của bạn với gắng sức và mức độ nghiêm trọng của sự tàn phế của bạn, thử nghiệm này không nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.
Khi khoảng cách đi bộ trong 6 phút giảm đi có nghĩa là có sự hiện diện của mất khả năng thích nghi với gắng sức.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi

Tin liên quan ...