Xử trí khi bị choáng, ngất

Choáng, ngất thường xuất hiện khi máu không được bơm lên não đầy đủ, gây mất ý thức tạm thời. Tình trạng này thường ngắn, thoáng qua.

Choáng, ngất có thể không nguy hiểm hoặc rất nguy hiểm tới tính mạng. Do đó cần xử trí cấp cứu choáng, ngất cho tới khi kiểm soát được các dấu hiệu, triệu chứng và biết rõ được nguyên nhân gây choáng, ngất.
1. Nếu bạn bị choáng:
– Nằm ngửa hoặc ngồi xuống.
– Nếu ngồi, cúi đầu vào giữa hai đầu gối.
Nếu ngất tái lại, cần khám bác sỹ.
2. Nếu gặp người bị choáng, ngất:
1) Đặt bệnh nhân nằm ngửa. Nâng cao chân khoảng 30cm cao hơn đầu.
2) Đảm bảo đường thở thông thoáng. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng nếu có nôn, buồn nôn.
3) Kiểm tra các dấu hiệu sống (thở, ho, cử động). Nếu không thấy dấu hiệu sống, cần gọi cấp cứu 115, cơ sở y tế gần nhất hoặc người trợ giúp, rồi tiến hành hồi sinh tim phổi cho đến khi bệnh nhân thở trở lại.
4) Duy trì tuần hoàn máu. Nếu bệnh nhân đang thở, nâng cao chân để giúp tăng lượng máu lên não. Nới lỏng quần áo, thắt lưng. Nếu bệnh nhân không tỉnh lại trong 1 phút, gọi ngay cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Nếu bệnh nhân bị tổn thương do ngã liên quan đến choáng, ngất, xử trí các vết tụ máu, bầm tím hoặc các vết rách da. Kiểm soát chảy máu bằng băng ép trực tiếp tại chỗ.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Dịch từ Mayo Clinic)

Tin liên quan ...