Hen phế quản và gắng sức
Gắng sức là yếu tố khởi phát thường gặp ở bệnh hen, ở một số bệnh nhân đó là yêú tố duy nhất. Sự không có khả năng gắng sức thường không được đánh giá đúng mức bởi bệnh nhân cũng như bác sỹ.
Hen do gắng sức thường xuất hiện ở khoảng 70 – 80% bệnh nhân hen. Cơ chế chính xác mà gắng sức gây ra sự co thắt phế quản vẫn chưa được làm rõ. Có thể được gây ra bởi sự tăng thông khí khi gắng sức làm cho khí vào phổi chưa đủ ấm và ẩm. Các hậu quả của gắng sức do việc hít phải khí lạnh và khô được cho là có ý nghĩa quan trọng hơn bản thân những thay đổi chuyển hóa gây ra bởi gắng sức.
Hen do gắng sức thường xuất hiện khoảng 5 – 15 ‘ sau khi gắng sức, và có khi đến 1 giờ. Cũng có thể có phản ứng muộn sau 10 giờ. Hen gây ra do gắng sức có thể là dấu hiệu của việc quản lý hen kém. Kiểm soát hen gây ra do gắng sức tốt có thể dẫn tới kiểm soát tốt bệnh hen chung. Một số bệnh nhân có thể có chức năng phổi bình thường và bệnh hen được kiểm soát tốt ở phần lớn thời gian và chỉ có các triệu chứng khi gắng sức hay hoạt động tích cực.
Các triệu chứng có thể liên quan tới các mức độ hoạt động khác nhau ở những người khác nhau. Trong trường hợp xấu nhất các hoạt động thường ngày cũng có thể gây nên các triệu chứng hen, như trẻ đang chơi đùa hay các công việc thông thường như hút bụi và làm sạch ô tô. Một số người có các triệu chứng chỉ khi họ chơi thể thao. Có thể có một số vận động viên chỉ cần một thay đổi rất nhỏ trong việc kiểm soát hen cũng có thể ảnh hưởng lớn tới việc thi đấu của họ. Cần phải biết rằng nhiều bệnh nhân hen không có khái niệm về khả năng gắng sức của họ và cần có chế độ tự giới hạn cho mình.
Không phải mọi người bị ho, khò khè và khó thở do gắng sức nhất thiết bị hen do gắng sức. Có thể họ chỉ có sức khoẻ kém, hoặc có bệnh tim hay bệnh về đường hô hấp khác. Phân biệt những người này với những người bị hen do gắng sức có thể được làm rõ khi đo lưu lượng đỉnh đều đặn trước và sau khi gắng sức. Sự giảm lưu lượng đỉnh trên 20% tới 20 phút sau khi ngừng gắng sức được chẩn đoán là hen do gắng sức.
TS. Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng
Tin liên quan ...
- Vai trò của cúm trong bệnh hen phế quản 11/02/2017
- Hiệu quả của thuốc ức chế bơm proton trong điều trị hen phế quản ở người lớn 15/02/2015
- Tổng quan về hen phế quản 15/02/2015
- Mẹ dùng kháng sinh khi mang thai hoặc trẻ được dùng kháng sinh sớm sau sinh và nguy cơ hen ở trẻ em: Tổng kết các nghiên cứu 15/02/2015
- Ảnh hưởng của co thắt phế quản trên tái cấu trúc đường thở trong hen phế quản 15/02/2015