Nhiễm khuẩn hô hấp – Thực trạng và thách thức
Đề kháng kháng sinh hiện là vấn đề nghiêm trọng. Tình trạng này gặp ở hầu hết các chủng vi khuẩn gây bệnh. Nhiều kháng sinh có tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc rất cao và tỏ ra không có hiệu quả khi dùng trong điều trị ở hầu hết các bệnh nhân
Tình hình đề kháng kháng sinh của các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng:
Streptococcus pneumoniae: Trong nhiều nghiên cứu tại Mỹ và các nước Châu Âu nhận thấy phế cầu kháng penicilline (PNC) ngày càng gia tăng, hiện khoảng 30- 50%. Trong 10 năm từ 1986 đến 1996, phế cầu kháng PNC tăng 12 lần tại Mỹ, 43 lần tại Pháp và 28 lần tại Nhật. Tại Châu á , Việt Nam có tỉ lệ kháng cao nhất với 71% (MIC ≥4mg/l). Khi phế cầu kháng PNC sẽ kháng các kháng sinh khác như macrolide, bactrime, ciprofloxacine, cycline.
Hemophilius influenzae và Moraxella catarrhalis: Là hai tác nhân rất thường gặp gây viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (VPCĐ). Sản xuất beta-lactamase được phát hiện trong 56% H. influenzae và gần tất cả Moraxella catarrhalis. Khoảng 30% H. influenzae kháng với azithromycin.
Ngoài ra, hiện nay tác nhân gây VPCĐ do vi khuẩn gram âm đường ruột như E.coli, klebsiella và những vi khuẩn không lên men như Pseudomonas aeruginosa, acinetobacter baumannii ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ kháng thuốc, đặc biệt trên những bệnh nhân có bệnh đồng thời như tiểu đường, xơ gan, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch gây khó khăn nhiều trong điều trị và hạ thấp tử suất.
Đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy (VPBV-VPTM) hiện nay là cực kỳ nghiêm trọng và ngày càng gia tăng Tỉ lệ tử vong do VPBV khoảng 33-50%, đặc biệt do Pseudomonas aeruginosa hay Acinetobacter baumannii. Tác nhân gây bệnh thay đổi tùy bệnh viện, tác nhân thường gặp là trực trùng gram âm hiếu khí như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae sinh ESBL; P. aeruginosa, Acinetobacter baumannii đa kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng, kể cả những kháng sinh mạnh nhất hiện nay; Staphylococcus aureus, đặc biệt MRSA với MIC gia tăng đối với vancomycine ngày càng gia tăng tại Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Các yếu tố nguy cơ gây VPBV với vi khuẩn kháng đa kháng sinh bao gồm:
– Điều trị KS trong 90 ngày trước
– Nhập viện ≥ 5 ngày
– Tần suất kháng KS cao trong cộng đồng hay trong BV
– Có yếu tố nguy cơ VPBV
– Bệnh hay điều trị suy giảm miễn dịch
PGS.TS. Trần Văn Ngọc – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy
Tin liên quan ...
- Vai trò của cúm trong bệnh hen phế quản 11/02/2017
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- Corticoid làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi có đáp ứng viêm mạnh ? 22/02/2015