Kháng sinh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là vấn đề rất thường gặp. Tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực châu Mỹ Latin là từ 18,4 - 32,1% ở nhóm ≥ 60 tuổi, và tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm > 30 tuổi ở khu vực châu Á Thái bình dương là khoảng 6,3%
Việt Nam, các điều tra cho thấy tỷ lệ mắc bệnh chung là 4,2%, tỷ lệ mắc bệnh thay đổi rõ rệt theo miền: miền Bắc: 5,7%; miền Trung: 4,6% và miền Nam: 1,9%.
Hầu hết các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có đợt cấp. Các tiêu chí đánh giá đợt cấp hiện nay đều dựa vào sự xuất hiện của 3 dấu hiệu: ho tăng, khó thở tăng, khạc đờm tăng/ thay đổi màu sắc của đờm. Mỗi khi có đợt cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn biến xấu đi rõ rệt.
Nguyên nhân thường gặp nhất của đợt cấp là nhiễm khuẩn hô hấp do các chủng vi khuẩn điển hình (Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Enterobacteriacea, hoặc Pseudomonas aeruginosa…). Vi rút và vi khuẩn không điển hình ít có vai trò quan trọng trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (so với các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác).
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được chia thành các mức độ: nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng và nguy kịch. Hầu hết các trường hợp đợt cấp nhẹ và trung bình được điều trị tại nhà.
Các điều trị thường được sử dụng trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm: kháng sinh, corticoid đường toàn thân (dùng ngắn ngày), thuốc giãn phế quản.
Việc lựa chọn đúng kháng sinh trong điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất quan trọng, đặc biệt trước thực trạng vi khuẩn kháng thuốc tràn lan như hiện nay. Hầu hết các khuyến cáo đều cho thấy, β-lactam/ β-lactamase và quinolone là những lựa chọn hàng đầu trong điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do bội nhiễm. Nên dùng liều cao ciprofloxacin, levofloxacin hoặc các β-lactam có tác dụng tốt với Pseudomonas aeruginosa cho những trường hợp đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có suy hô hấp hoặc các yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn này
TS. Nguyễn Thanh Hồi, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015