Bạn cần tránh những yếu tố nào khi bị hen ?

Nếu bạn tiếp xúc hoặc đôi khi chỉ cần ở gần các yếu tố gây kích phát cơn hen phế quản có thể làm bạn lên cơn hen. Do vậy trong khi lập kế hoạch điều trị, cần phải đặc biệt lưu tâm tới việc tạo môi trường sống không có các yếu tố nguy cơ kích phát cơn hen phế quản.

Khói thuốc
Khói thuốc lá, thuốc lào, ống điếu, xì gà có thể gây kích thích phổi bạn một cách nhanh chóng và do vậy gây khó thở. Vì vậy bạn cần: Không hút thuốc, và không để ai hút thuốc trong nhà hay trong xe hoặc quanh nơi bạn đang sống và làm việc. Khi đi ra ngoài, hãy chọn những nơi không có khói thuốc.
Khói bếp
Bạn có thể lên cơn khó thở khi hít phải khói bếp than, khói lò gạch hoặc lò sưởi và thậm chí cả bếp củi. Do vậy bạn nên tránh khói bếp than, lò gạch, lò sưởi và bếp củi. Nếu không tránh được, ngồi càng xa càng tốt. Cố gắng dời bếp ra khỏi nhà. Phòng bếp phải sạch, thoáng và được mở cửa thường xuyên. Phải chắc chắn rằng khói bếp được dẫn ra ngoài mà không ảnh hưởng tới môi trường mình đang sống.
Ngoài khói bếp than, khói lò gạch, cũng cần lưu ý tránh khói xe máy, ô tô, khói xưởng đúc nhựa, nhôm, đồng, khói nhà máy… những khói này nếu hít phải cũng có thể gây ra cơn hen phế quản cho bạn.
Vật nuôi
Khi bạn đã được chẩn đoán bị hen thì không nuôi các động vật có lông: chó, mèo, chim, gà…bởi vì các con vật này thường rắc ra môi trường sống quanh bạn rất nhiều các dị nguyên có thể gây ra cơn khó thở cho bạn từ lông, nước bọt, phân… của chúng. Người ta đã nghiên cứu thấy rằng sáu tháng sau khi hoàn toàn không nuôi chó mèo nữa, mặc dù đã giặt hết quần áo, chăn, ga rải giường, hút bụi kỹ, mở cửa sổ thông thoáng nhưng trong nhà vẫn còn lông của các con vật này. Vì vậy những người bị hen cần nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn các con vật này ra khỏi môi trường sống của mình và tổng vệ sinh toàn bộ nhà cửa, vật dụng.
Người bị hen tốt nhất là không nuôi bất kỳ con vật gì trong nhà. Nếu bạn rất muốn nuôi một con vật cho vui thì tốt nhất nên chọn loại không có lông.
Vì lý do nào đó bạn nhất thiết phải nuôi động vật có lông, bạn cần nhốt chúng ở ngoài sân và không cho vào trong nhà. Cần đeo khẩu trang khi lại gần và rửa tay sau khi sờ vào chúng.
Gián
Gián cũng có thể gây ra cơn hen, do vậy bạn cần giữ cho nhà bếp sạch; quét dọn, đổ rác mỗi ngày; cất thức ăn trong những hộp kín. Lau nhà thường xuyên, lau sạch phòng ăn sau các bữa ăn.
Diệt trừ gián bằng các biện pháp không xịt hoá chất. Nếu diệt gián bằng hoá chất thì bạn cần nhờ người khác xịt và không ở trong nhà cho đến khi hết mùi hoá chất.
Bụi nhà
Bạn thường xuyên phải sống chung với bụi nhà. Trong thành phần bụi nhà có những con bọ nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Những con bọ này sống trong đệm giường, khăn trải giường, chăn, gối, màn cửa, thảm, nệm ghế…chúng sản sinh ra các dị nguyên gây kích thích mạnh đường thở… Bụi nhà thường gây ra cơn hen.
Người bị hen dị ứng với bụi nhà thì tốt nhất là không nên dùng những vật dụng khó giặt sạch như nệm giường, ghế salon có nệm bọc vải… Giặt tất cả đồ vải trên giường mỗi tuần một lần, tốt nhất là giặt trong nước ấm nóng. Chọn vải để bao đệm giường và gối loại đặc biệt (vải lỗ rất nhỏ, ở Việt nam chưa có) hoặc bọc bằng nylon ngăn không cho dị nguyên bụi nhà thoát ra.
Dùng các rèm che cửa sổ kiểu thẳng đứng thay vì kiểu nằm ngang để hạn chế tung bụi ra không khí mỗi khi kéo rèm. Cần giặt thường xuyên các rèm. Nên hạn chế tối thiểu số lượng rèm.
Không nên dùng thảm trải sàn nhà mà nên lát sàn bằng đá, gạch. Có thể dùng các tấm thảm nhỏ giặt được, nhưng phải giặt thường xuyên. Nên dùng đồ bằng nhựa vinyl, da hoặc gỗ thay thế vật dụng nhồi bông. Nếu có thể dùng máy hút bụi có màng lọc đặc biệt ngăn không cho dị nguyên bụi nhà thoát ra khỏi túi chứa bụi.
Phấn hoa
Đây là nguồn dị nguyên rất phổ biến trong môi trường. Phấn hoa có thể từ hoa trồng, cây trồng hoặc hoa dại. Không nên trồng cũng như mua cắm những hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn.
Người hen bị dị ứng với phấn hoa nên ở trong nhà, đóng cửa thường xuyên và tránh tập thể dục ngoài trời vào mùa hoa nở.
Nấm mốc
Nấm mốc thường mọc ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm, nhà vệ sinh, và tầng hầm hoặc khi nhà bị thấm, dột. Thường xuyên làm sạch những chỗ ẩm ướt. Đừng quên lau dọn phòng tắm, vòi sen và các lavabo, cho quạt hút chạy hoặc để cửa sổ phòng tắm mở sau khi dùng để hạn chế nấm mốc. Không dùng máy phun hơi, máy làm ẩm hay quạt nước. Các dụng cụ này làm tăng độ ẩm tạo điều kiện cho nấm mốc mọc.
Nếu có điều kiện, nên chạy máy hút ẩm mỗi khi trời nồm hoặc độ ẩm không khí quá cao.
Các chất kích thích khác
Tất cả các chất phun xịt có mùi hắc đều có thể là tác nhân kích phát gây ra các cơn hen phế quản như nước hoa, thuốc xịt phòng, sơn…
Đeo khẩu trang khi làm các công việc có ô nhiễm không khí, như đánh giấy ráp, lau bụi, quét nhà, làm vườn, hay làm việc ngoài sân.
Nếu phải dùng chất phun xịt, nên nhờ người khác xịt hoặc dùng loại bình bơm thay vì bình phun xịt, và dùng ở nơi thông thoáng.
Dùng các chất tẩy rửa dạng nước thay vì dùng loại phun xịt nếu có thể.
Các mùi hắc từ những chất như dầu thơm, hoa khô, long não, hay thuốc xịt côn trùng đều có thể gây ra cơn hen do vậy bạn nên:
Dùng các sản phẩm không mùi bất cứ khi nào có thể được.
Hoà nước với giấm hoặc muối diêm để chùi rửa, thay vì dùng nước tẩy hoặc amoniac.
Để quần áo trong các hộp có nắp kín thay vì dùng long não để phòng gián.
Dùng quạt hút khi nấu nướng để làm giảm mùi.
Để ý phát hiện xem có điều gì khác có vẻ cũng làm bạn lên cơn hen. Nếu có, bạn cũng phải tìm cách kiểm soát chúng.
Thời tiết
Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể gây cơn hen cho một số người Hạn chế các hoạt động ngoài trời khi trời quá nóng hoặc quá lạnh.
Tránh các hoạt động vào lúc quá khuya hoặc quá sớm.
Mùa lạnh nên đeo khăn quàng hoặc khẩu trang che ngang miệng và mũi để bảo vệ phổi.
Nếu đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm có kính che kín cả phần mũi, miệng.
Thức ăn
Một số thức ăn có thể gây ra các cơn khó thở cho bạn. Do vậy cần hết sức tránh những thức ăn gây dị ứng hoặc đã có lần gây ra cơn khó thở.
Các chất phụ gia thực phẩm như: “Sulfites”, “Metabisulfites”, hay “Sulfur dioxide” có thể gây cơn hen.
Tránh các thực phẩm như rượu nho, bia, hay quả khô có chứa các phụ gia trên nếu những chất này làm bạn lên cơn hen.
Thuốc
Vì nhiều dược chất có thể gây cơn hen ở một số người, bao gồm hai nhóm chính là các thuốc giảm đau chống viêm không phải corticoid và các thuốc chẹn – beta giao cảm là các thuốc thông dụng nên khi vì lý do nào đó bệnh nhân hen phải dùng thuốc thì phải xem các thuốc đó có làm xuất hiện cơn hen hoặc làm hen nặng lên không? Nếu thuốc làm bạn lên cơn hen hoặc làm hen nặng lên, hãy yêu cầu bác sĩ cho bạn một danh sách thuốc cần tránh sử dụng.
Kiểm tra kỹ nhãn các thuốc bán không cần đơn xem có chứa những hoạt chất cần tránh không.
Coi chừng các thuốc chữa cảm cúm và thuốc điều trị viêm xoang thường hay chứa aspirin hoặc các dẫn xuất.
Cảm xúc và căng thẳng
Buồn phiền, kích động, hay căng thẳng có thể làm bạn bị cơn hen.
Thư giãn và thở chậm lại là cách tốt nhất để tránh lên cơn.
Bạn có thể dùng cách thở chúm môi như sau:
1. Thư giãn cổ và vai.
2. Hít vào chầm chậm qua mũi, vừa đếm thầm 1, 2, 3, 4.
3. Chúm môi lại giống như khi bạn sắp thổi một ngọn nến.
4. Thở ra chầm chậm qua môi đang chúm, vừa đếm thầm 1, 2, 3, 4.
Nhân viên y tế có thể hướng dẫn cho bạn những cách thư giãn khác.
Gắng sức
Nhiều người lên cơn hen trong khi tập thể dục hoặc sau khi tập. Tuy nhiên, với kế hoạch điều trị, bạn sẽ được chỉ dẫn để tập thể dục an toàn và làm cho bạn khoẻ hơn.
Tránh các hoạt động nặng hoặc thể dục gắng sức ở ngoài trời lạnh.
Dùng thuốc giãn phế quản dạng bình xịt định liều phun hít trước khi tập có thể ngăn cơn hen xuất hiện.
Các bệnh khác
Các bệnh khác đường hô hấp cũng có thể làm cho phổi bạn nhạy cảm hơn. Bạn cần thường xuyên chú ý giữ gìn sức khoẻ, tiêm phòng cúm hàng năm, rửa tay thường xuyên, đặc biệt trong mùa cúm, nếu có thể, hãy tránh đến gần những người đang bị cảm cúm.

TS. Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng

Tin liên quan ...