Các cách chống dính màng phổi ?

Chống dính màng phổi là công việc hầu hết các bác sỹ quan tâm khi điều trị các trường hợp tràn dịch, tràn mủ màng phổi cho bệnh nhân. Các cách tiến hành chống dính màng phổi bao gồm:

Cần phải hiểu rõ bản chất của chống dính màng phổi thực ra là làm mất sự hình thành các vách trong khoang màng phổi, do vậy tạo thuận lợi cho việc dẫn lưu hết dịch, mủ màng phổi ra ngoài. Các cách chống dính màng phổi hiện được thực hiện bao gồm
1. Chọc tháo hết dịch, mủ màng phổi: đây là cách chống dính tốt nhất, do làm hết dịch và mủ màng phổi, vì vậy không còn tình trạng vách hóa trong khoang màng phổi nữa. Để đảm bảo thực hiện được công việc này, các bệnh nhân cần đến viện sớm, ngay khi có các triệu chứng như đau ngực, ho, sốt…
2. Dùng các thuốc tiêu sợi huyết: thường dùng ở Việt Nam là streptokinase, ngoài ra còn có thể dùng Urokinase… Các thuốc được bơm vào khoang màng phổi khi trên lâm sàng và X quang còn hình ảnh dịch, mủ màng phổi, nhưng không dẫn lưu ra ngoài được. Thuốc tiêu sợi huyết được bơm hàng ngày vào khoang màng phổi, liều cuối cùng bơm vào ngày thứ 6 sau liều đầu tiên. Việc bơm kéo dài quá 6 ngày có thể gây sốc phản vệ
3. Phẫu thuật bóc, giải phóng ổ cặn màng phổi: chỉ định khi bệnh nhân có các ổ dịch, mủ màng phổi mà không giải quyết được bằng điều trị nội khoa, hoặc đã gây hạn chế chức năng hô hấp của bệnh nhân.
Nhìn chung, các phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết và phẫu thuật đều là những cách khá phức tạp, bên cạnh đó, hiệu quả mang lại không thực sự hoàn toàn như tốt như phương pháp tháo hết dịch, mủ màng phổi khi bệnh nhân đến viện sớm. Do vậy chúng tôi luôn khuyến cáo bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện sớm để có thể chọc tháo, dẫn lưu hết dịch màng phổi ngay từ đầu
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...