Gây dính màng phổi – Biện pháp dự phòng tái phát tràn dịch, tràn khí màng phổi
Màng phổi là bao thanh mạc bọc quanh phổi, gồm có lá thành và lá tạng. Giữa 2 lá là khoang ảo gọi là khoang màng phổi. Bình thường trong khoang màng phổi có ít dịch giúp lá thành và lá tạng trượt lên nhau dễ dàng khi hít thở.
Thế nào là gây dính màng phổi Gây dính màng phổi (MP) là làm dính lá thành với lá tạng MP để tránh sự tích tụ dịch hoặc khí trong khoang màng phổi. Những trường hợp nào nên gây dính màng phổi?
1. Tràn dịch màng phổi (TDMP) do bệnh lý ác tính (ung thư di căn màng phổi, ung thư nguyên phát màng phổi). Trong những trường hợp TDMP do bệnh lý ác tính, dịch tái phát nhanh, nhiều đòi hỏi phải chọc tháo dịch hàng ngày. Gây dính MP thành công giúp BN không phải chịu đau đớn do tràn dịch và không phải chọc tháo dịch. Tuy nhiên để có thể gây dính được màng phổi thì phổi phải nở được hoàn toàn.
2. TDMP do bệnh lý lành tính (tràn dịch do xơ gan, bệnh lý thận, tim mạch…). Tràn dịch do những bệnh lý này đòi hỏi điều trị căn nguyên chính và thường ít có chỉ định gây dính. Tuy nhiên với những trường hợp tràn dịch nhiều không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường có thể gây dính MP.
3. Những trường hợp tràn khí MP hút dẫn lưu sau 5 ngày không kết quả hoặc tràn khí MP tái phát, tràn khí MP ở bệnh nhân có nhiều kén khí phổi. Tiến hành gây dính màng phổi như thế nào? Gây dính màng phổi có thể bằng hóa chất hoặc phẫu thuật.
* Gây dính MP bằng hóa chất: Các chất được sử dụng gây dính màng phổi là Bleomycin, Tetracycline, Doxycycline, Quinacrine, Povidone iodine hoặc bột talc y tế… Các chất này khi đưa vào khoang MP sẽ kích thích gây viêm và làm dính hai lá MP. Việc gây dính phải được tiến hành tại bệnh viện. Đầu tiên bệnh nhân được mở MP tối thiểu để đưa ống dẫn lưu vào khoang MP (BN chỉ cần gây tê tại chỗ). Sau đó hút hết dịch hoặc khí. Các chất được pha với nước muối sinh lý (có thể thêm thuốc tê Lidocain để giảm đau), sau đó bơm qua ống dẫn lưu vào khoang MP. Kẹp ống dẫn lưu và bệnh nhân được thay đổi tư thế mỗi 15 phút. Sau 2 giờ hút dẫn lưu liên tục. Ống dẫn lưu được rút khi hết dịch hoặc khí. Trường hợp gây dính 1 lần thất bại có thể gây dính bổ sung. Gây dính màng phổi bằng hóa chất là thủ thuật gây đau nên phải dùng giảm đau và an thần trước cho bệnh nhân. Trong các hóa chất, Povidone iodine an toàn và hiệu quả như bột talc, đồng thời dễ sử dụng vì sẵn có và giá thành thấp..
* Gây dính màng phổi bằng phẫu thuật. Có thể gây dính qua nội soi lồng ngực hoặc bằng phẫu thuật mở ngực. Nội soi lồng ngực (NSLN) có sự hỗ trợ của video là phương pháp được áp dụng để gây dính MP ngày càng nhiều do những ưu thế: can thiệp ít xâm lấn hơn phẫu thuật mở ngực, bệnh nhân ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Qua NSLN hoặc mở ngực, bác sỹ sẽ tiến hành chà sát màng phổi hoặc cắt bỏ lá thành màng phổi. Đặc biệt, phương pháp bơm bột talc dạng phun mù vào khoang MP qua NSLN để gây dính rất có hiệu quả vì bột talc phân bố đều khắp trong khoang MP. Các nguy cơ của gây dính MP Biến chứng của việc gây dính thường ít gặp, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, hội chứng suy hô hấp cấp, xẹp phổi. Các biến chứng khác xảy ra tùy theo từng loại tác nhân gây dính như bột talc và Doxycycline có thể gây sốt và đau, Quinacrine có thể làm hạ huyết áp, sốt và ảo giác, Bleomycin có thể gây sốt, đau và buồn nôn. Trường hợp nặng nhất là nguy hiểm đến tính mạng. Chăm sóc Trong quá trình gây dính bệnh nhân được theo dõi sát về lượng dịch hoặc khí để xét gây dính bổ sung, đồng thời cũng phải theo dõi tình trạng đau, sốt do phản ứng viêm của MP, hoặc tình trạng nhiễm trùng vết mở MP hay bội nhiễm vi khuẩn do quá trình gây dính. Các nguyên nhân làm gây dính MP thất bại Xẹp phổi, tràn dịch hoặc tràn khí khu trú, dịch tái phát nhiều, vị trí dẫn lưu không thích hợp, tắc ống dẫn lưu.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Khoa Hô Hấp BV Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015