Lao phổi thường bị nhầm với những bệnh gì ?
Các triệu chứng lao phổi đôi khi rất giống với các bệnh phổi khác, do vậy, khi bệnh nhân đến khám, có thể thầy thuốc nhầm tưởng đó không phải lao, hoặc đôi khi là bệnh phổi khác nhưng lại được chẩn đoán là lao. Vậy những bệnh lý nào có thể gây chẩn đoán […]
Các triệu chứng lao phổi đôi khi rất giống với các bệnh phổi khác, do vậy, khi bệnh nhân đến khám, có thể thầy thuốc nhầm tưởng đó không phải lao, hoặc đôi khi là bệnh phổi khác nhưng lại được chẩn đoán là lao. Vậy những bệnh lý nào có thể gây chẩn đoán nhầm với lao phổi ?
Viêm phổi: nhiều bệnh nhân lao phổi bị chẩn đoán nhầm là viêm phổi. Thông thường, hướng tới chẩn đoán viêm phổi khi bệnh diễn biến đột ngột với sốt, ho khạc đờm mủ, đờm màu xanh hoặc màu vàng. Xét nghiệm thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng. Chụp X quang phổi thấy tổn thương là đám mờ hình tam giác mà không có hang kèm theo. Xét nghiệm đờm: không tìm thấy vi khuẩn lao. Dùng kháng sinh bệnh thuyên giảm nhanh.
Ung thư phổi: nhiều trường hợp lao phổi có hình mờ trên phim X quang giống như u phổi do đó có thể chẩn đoán nhầm là u phổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp u phổi bị hoại tử ở giữa, do vậy trên phim thấy hình giống như hang trong lao phổi. Thông thường hướng tới chẩn đoán u phổi khi: bệnh nhân nam, tuổi > 45 có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá. Trên phim X quang phổi tổn thương là hình đám mờ. Để có chẩn đoán chắc chắn, cần tiến hành nội soi phế quản, lấy dịch phế quản làm các xét nghiệm tế bào, vi khuẩn lao, hoặc tiến hành chọc kim vào đúng vị trí tổn thương để lấy bệnh phẩm chẩn đoán.
Áp xe phổi: người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng rõ ràng, ho khạc mủ hoặc ộc mủ. Trên phim X quang phổi là hình mức nước hơi.
Giãn phế quản: chẩn đoán phân biệt bằng cách tìm trực khuẩn kháng cồn kháng toan (phải làm nhiều lần); chụp cắt lớp lồng ngực lớp mỏng 1mm, độ phân giải cao thấy hình ảnh giãn phế quản.
Hen phế quản: trường hợp này hiếm gây chẩn đoán nhầm, những trường hợp lao nội phế quản có thắt hẹp đường thở đôi khi có thể gây tiếng thở rít làm chẩn đoán nhầm là hen
Nhìn chung, cần tiến hành làm các xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán lao ở tất cả những bệnh nhân có ho kéo dài > 4 tuần.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Một số biện pháp làm loãng đờm 11/02/2015
- Đốt điện cao tần điều trị các u, sẹo hẹp khí phế quản 11/02/2015
- Trình tự tiến hành sinh thiết phổi xuyên thành ngực 11/02/2015
- Soi phế quản là gì ? 11/02/2015
- Kỹ thuật sinh thiết cắt xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính 11/02/2015