Xử trí khi bị bỏng
Rất nhiều trường hợp bị bỏng gặp trong hoạt động hàng ngày. Hầu hết các trường hợp này được xử trí và tự ổn định, những trường hợp bỏng sâu, diện bỏng rộng cần được gọi cấp cứu ngay. Tuy nhiên vẫn cần tiến hành một số công việc cấp cứu trước khi xe cấp cứu đến
Để phân biệt giữa bỏng nhẹ và bỏng nặng, bước đầu tiên là xác định mức độ và độ rộng của tổn thương cơ thể.
Có ba mức độ bỏng: bỏng độ 1, bỏng độ 2 và bỏng độ 3 giúp bạn đánh giá mức độ nặng và tình trạng cấp cứu cần thiết của bệnh nhân:
Bỏng độ 1: Mức độ bỏng nhẹ nhất là tình trạng bỏng chỉ ở lớp ngoài cùng của da. Da chỉ bị đỏ, kèm theo có phù nề và đôi khi có bỏng rát. Lớp ngoài cùng của da không bị xuyên qua. Bỏng độ 1 chỉ cần điều trị khi bỏng xuất hiện ở tay, chân, mặt, khớp, hoặc các khớp lớn.
Bỏng đội 2: Khi bỏng xuyên qua lớp ngoài cùng của da và gây tổn thương cả ở lớp thứ hai của da (biểu bì), khi đó gọi là bỏng độ 2. Các phỏng nước xuất hiện và phát triển, da bị đỏ nhiều, biểu hiện như những chấm. Bỏng độ 2 gây đau và phù nề nhiều.
Nếu diện bỏng độ 2 dưới 7,5cm đường kính: xử trí như bỏng nhỏ. Nếu diện bỏng lớn hơn hoặc bỏng xuất hiện ở tay, chân, mặt, mông hoặc khớp lớn, việc xử trí tương tự như với bỏng lớn và cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Với bỏng nhỏ, bao gồm bỏng độ 1 và bỏng độ 2 có đường kính diện bỏng < 7,5cm, cần thực hiện những bước sau:
• Làm lạnh: Giữ diện bỏng dưới dòng nước lạnh trong ít nhất 5 phút, hoặc cho đến khi đau giảm. Nếu không hiệu quả, cần ngâm diện bỏng vào nước lạnh. Làm lạnh vùng bỏng làm giảm phù nề do giảm nhiệt trên da. Không dùng đá để làm lạnh diện bỏng.
• Phủ lên diện bỏng với gạc vô trùng: Không dùng vải cotton có lông tơ, do vải này có thể gây kích thích vùng da vị bỏng. Phủ nhẹ gạc lên diện bỏng, miếng gạc có tác dụng ngăn da tiếp xúc với không khí do vậy làm giảm đau, bên cạnh đó còn giúp bảo vệ các phỏng nước.
• Dùng thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau bao gồm aspirin, ibuprofen, felden hoặc paracetamol (paracetamol, efferalgan). Không dùng aspirin cho trẻ em.
Các bỏng nhỏ có thể lành mà không cần điều trị. Sau khi lành, vùng bỏng thường có rối loạn sắc tố do đó làm cho vùng bị bỏng sau này có màu khác với vùng da xung quanh. Cần theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng như các biểu hiện đau, đỏ da, phù nề, rỉ nước và sốt tăng lên. Khi có biểu hiện nhiễm trùng, cần đến khám ngay. Cần tránh các tổn thương lên vùng da đã bị bỏng trong vòng 1 năm, do những tổn thương lên vùng da này có thể làm tình trạng rối loạn sắc tố lan rộng. Dùng kem chống nắng cho vùng bị bỏng trong ít nhất 1 năm.
Lưu ý
• Không dùng đá. Áp trực đá trực tiếp lên diện bỏng có thể gây tê cóng, phát cước, làm da tổn thương thêm.
• Không dùng mỡ hoặc bơ bôi lên vùng bỏng. Nó có thể làm vùng bỏng lâu liền.
• Không phá vỡ các bỏng nước. Phá vỡ các bỏng nước làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bỏng độ 3: Đây là mức độ bỏng nặng nhất và thường không đau, gây tổn thương ở tất cả các lớp của da, tổn thương tổ chức vĩnh viễn. Tổn thương cả ở lớp mỡ, cơ và xương. Vùng bỏng có thể đen như than hoặc khô và trắng. Hơi bốc ra từ vùng bỏng rất khó ngửi và có thể gây ngộ độc carbon monoxide.
Với bỏng lớn: cần gọi cấp cứu 115 ngay. Cần làm một số việc trước khi xe cấp cứu đến. Các công việc này bao gồm:
1. Không loại bỏ quần áo phủ trên vùng da bị bỏng. Tuy nhiên cần đảm bảo rằng nạn nhân không còn tiếp xúc với những vật liệu đang cháy hoặc tiếp xúc với khói, nhiệt.
2. Không ngâm vùng bỏng lớn trong nước lạnh. Việc này có thể gây sốc.
3. Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động). Nếu không thở hoặc không có các dấu hiệu khác của tuần hoàn, cần tiến hành ngay cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR).
4. Nâng vùng bỏng cao hơn các vùng khác. Nâng cao hơn mức tim nếu có thể.
5. Phủ vùng da bị bỏng. Dùng băng vô trùng, ẩm và lạnh.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Dịch từ Mayo Clinic)
Tin liên quan ...
- Sốc phản vệ là gì ? 15/02/2015
- Bạn cần làm gì để sẵn sàng đối phó với sốc phản vệ ? 15/02/2015
- Những biện pháp cần thực hiện ngay khi phát hiện người bị sốc phản vệ 15/02/2015
- Làm gì khi bị xúc vật cắn ? 15/02/2015
- Sốt là gì ? 15/02/2015