Bác sỹ thường làm gì khi phát hiện tràn dịch màng phổi ?

Khi phát hiện bạn bị tràn dịch màng phổi, các bác sỹ sẽ làm gì để xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị bệnh tràn dịch màng phổi của bạn ?

  1. Khi bạn đã được xác định có dịch trong khoang màng phổi, các công việc thường được tiến hành bao gồm:
    Chọc dò dịch màng phổi: dùng kim nhỏ, thường chọc từ phía sau lưng vào vùng nghi ngờ có dịch màng phổi. Việc chọc dò dịch màng phổi nhằm xác định màu sắc dịch màng phổi, đồng thời lấy dịch màng phổi đi làm xét nghiệm: tế bào dịch màng phổi, định lượng protein dịch màng phổi, cấy, gửi làm các xét nghiệm tìm trực khuẩn lao (nhuộm soi, cấy tìm trực khuẩn lao, PCR-BK…)
  2. Nếu dịch màng phổi trắng trong: thường là tràn dịch màng phổi dịch thấm, cần khẳng định thêm với các xét nghiệm như: lượng protein dịch màng phổi < 30g/ lít, Protein dịch màng phổi / protein máu < 0,5… Các nguyên nhân của loại tràn dịch màng phổi này bao gồm: suy tim, suy thận, xơ gan, hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng… Khi đó, các thăm dò cần làm tiếp theo đối với các bệnh nhân này bao gồm: siêu âm tim, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, các xét nghiệm sinh hóa để khẳng định bệnh lý thận, gan, tim…
  3. Nếu dịch màng phổi màu vàng chanh, xẫm màu: thường là tràn dịch màng phổi dịch tiết, lượng protein trong dịch màng phổi > 30g/ lít và/ hoặc protein dịch màng phổi/ protein máu > 0,5… Các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi thường bao gồm: (1) các bệnh lý tại màng phổi: viêm màng phổi, lao màng phổi, ung thư nguyên phát hoặc thứ phát màng phổi… (2) các bệnh lý tự miễn: luput ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp… Các thăm dò cần làm bao gồm: sinh thiết màng phổi, các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi, xét nghiệm chẩn đoán bệnh hệ thống. Nếu vẫn chưa rõ chẩn đoán, có thể sẽ chỉ định nội soi khoang màng phổi…
  4. Nếu dịch màng phổi màu máu: dịch có màu đỏ, nhưng lượng tỷ lệ Hemoglobin trong dịch màng phổi / hemoglobin máu <0,5. Các thăm dò cần làm thêm tương tự như tràn dịch màng phổi màu vàng chanh, xẫm màu Tràn máu màng phổi: tỷ lệ Hemoglobin trong dịch màng phổi / hemoglobin máu > 0,5. Chụp cắt lớp ngực có tiêm thuốc cản quang, khám và hội chẩn chuyên khoa Ngoại
  5. Dịch màng phổi đục hoặc như mủ: tiến hành mở màng phổi và dùng kháng sinh kết hợp càng sớm càng tốt
  6. Dịch màng phổi màu trắng như sữa, còn được gọi là tràn dưỡng chấp màng phổi: thường làm các xét nghiệm tìm các nguyên nhân: ung thư phổi, màng phổi; giun chỉ; lao bạch mạch; u lympho
    TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...