Làm thế nào để tránh các đợt bùng phát của giãn phế quản ?

Giãn phế quản là tình trạng giãn vĩnh viễn, không hồi phục của toàn bộ hoặc một phần cây phế quản. Bệnh không thể chữa khỏi. Do vậy, thực hiện các biện pháp dự phòng để tránh xuất hiện các đợt cấp của giãn phế quản có vai trò đặc biệt quan trọng

Nhiễm trùng hô hấp được xem là căn nguyên gây giãn phế quản. Các trường hợp nhiễm trùng tái lại nhiều lần có nguy cơ gây tổn thương phế quản không hồi phục (giãn phế quản). Bên cạnh đó, những đợt nhiễm trùng hô hấp ở những bệnh nhân giãn phế quản lại làm nặng thêm tình trạng giãn phế quản. Do vậy, điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng hô hấp làm giảm tần xuất xuất hiện giãn phế quản và ngăn ngừa tình trạng giãn phế quản đã có nặng thêm.

Phát hiện sớm và điều trị các những trường hợp tắc, hẹp phế quản

Các nguyên nhân gây tắc hẹp phế quản bao gồm: lao nội phế quản, dị vật phế quản, u phổi gây chèn ép đường thở… Tuy nhiên nguyên nhân gây giãn phế quản khu trú thường gặp là dị vật phế quản và lao nội phế quản. Cần lưu ý phát hiện và điều trị sớm dị vật, lao nội phế quản nhằm ngăn ngừa giãn phế quản. Bên cạnh đó, cần lưu ý phát hiện dị vật, lao nội phế quản ở tất cả những trường hợp có giãn phế quản khu trú.

Vỗ rung và dẫn lưu tư thế

Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở.
Trước vỗ rung và dẫn lưu tư thế, bệnh nhân cần được khám lâm sàng tỷ mỉ, kết hợp vời phim chụp X quang phổi hoặc phim chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác tư thế cần thiết cho việc dẫn lưu tư thế, với nguyên tắc vùng được dẫn lưu nằm ở trên cao. Mỗi lần vỗ rung kéo dài khoảng 15 – 30 phút, mỗi ngày nên làm 3 lần.

Tiêm vacin phòng cúm và phế cầu

Việc tiêm vacin phòng cúm hàng năm và vacin phòng phế cầu mỗi bốn năm làm giảm đáng kể tần xuất các đợt nhiễm trùng, do vậy làm chậm tốc độ xấu đi của bệnh lý giãn phế quản.

Tránh ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà

Luôn tạo môi trường không khí sạch và thoáng, tránh ẩm và lạnh. Nên giữ ấm vào mùa lạnh, tránh để ướt sàn nhà, bếp, thường xuyên bật quạt thông gió, sử dụng máy hút ẩm trong những ngày trời nồm.

TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...