Các thuốc điều trị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là bệnh mạn tính. Việc điều trị bệnh cần được tiến hành liên tục, cho đến cuối đời người bệnh với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc kéo dài ít nhất 9 tháng với các bệnh nhân hen phế quản. Các thuốc điều trị bao gồm các nhóm giãn phế quản, corticoid...

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là hai căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc đường thở, gây phù nề, tăng tiết dịch nhầy ở đường thở, co thắt cơ trơn phế quản, các hiện tượng này gây tình trạng thắt hẹp đường thở, biểu hiện trên lâm sàng bởi các dấu hiệu như ho, khó thở (một số trường hợp nghe thấy rõ tiếng thở khò khè, hoặc cò cứ), nặng ngực. Các biểu hiện thường nặng lên vào nửa đêm, gần sáng, hoặc khi thay đổi thời tiết, hít phải khói, bụi …
Bệnh có tiến triển mạn tính, cả hai căn bệnh đều không thể được điều trị khỏi hoàn toàn, nhiều bệnh nhân phải dùng thuốc hàng ngày tới cuối đời (các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hoặc dùng thuốc thành đợt dài (các bệnh nhân có bệnh hen phế quản).
Các thuốc dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể được chia thành:
– Các thuốc giãn phế quản;
– Các thuốc nhóm corticoid.
1. Thuốc giãn phế quản
Tác dụng chính của các thuốc giãn phế quản là làm giãn cơ trơn phế quản, do đó, làm tăng khẩu kính đường thở. Luồng không khí lưu thông được dễ dàng hơn, không khí vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn, nên người bệnh hết cảm giác khó thở.
Sau khi dùng thuốc giãn phế quản, bên cạnh cảm giác dễ chịu, hết biểu hiện khó thở, các biểu hiện khác ghi nhận được là: khám phổi thấy không khí vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn (thể hiện bằng tiếng rì rào phế nang nghe rõ ràng hơn), không còn biểu hiện ran rít, ngáy; khi đo chức năng thông khí phổi thấy thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên tăng rõ rệt.
Thuốc giãn phế quản là thuốc có vai trò chính trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và là thành phần giúp cắt cơn khó thở, cũng như vai trò điều trị dự phòng để tránh xuất hiện các cơn khó thở tiếp theo ở các bệnh nhân hen phế quản.
Các nhóm thuốc giãn phế quản chính bao gồm:
– Nhóm cường beta 2 adrenergic: được chia thành
+ Thuốc có tác dụng nhanh, và ngắn: thuốc nhóm này bao gồm salbutamol, terbutaline… các thuốc nhóm này thường được dùng chủ yếu với vai trò cắt cơn khó thở.
+ Thuốc có tác dụng chậm, và kéo dài: bambuterol, salmeterol, formoterol, indacaterol.
– Nhóm thuốc kháng cholinergic: cũng được chia thành thuốc tác dụng nhanh, ngắn, và các thuốc có tác dụng chậm, kéo dài
+ Thuốc tác dụng nhanh, ngắn: Ipratropium. Các biệt dược hiện chứa hoạt chất thuốc này có mặt trên thị trường bao gồm: atrovent, berodual, combivent …
+ Thuốc tác dụng chậm, kéo dài: tiotropium (là thuốc giãn phế quản kéo dài nhóm kháng cholinergic, tác dụng ưu thế trên các thụ thể M1 và M3. Thuốc có tác dụng kéo dài hơn so với ipratropium, do vậy bệnh nhân dùng ít lần hơn (chỉ 1 lần/ ngày)
– Nhóm xanthine: bao gồm chủ yếu dạng thuốc uống (theophyllin) và dạng tiêm truyền tĩnh mạch (diaphyllin). Thuốc thường ít dùng đơn thuần mà thường dùng phối hợp với các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic hoặc nhóm kháng cholinergic trong điều trị.
Các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc giãn phế quản:
Bên cạnh tác dụng gây giãn phế quản, giúp giải quyết tình trạng khó thở của bệnh nhân, khi dùng thuốc giãn phế quản có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như sau:
– Ngộ độc theophyllin: đây là tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, và có thể gặp do liều độc và liều điều trị của theophyllin khá gần nhau, do vậy, ở người có chức năng thận bình thường: tổng liều theophyllin/ ngày không vượt quá 10mg/kg. Bên cạnh đó, không được dùng kèm với các thuốc nhóm macrolide do làm tăng nguy cơ xuất hiện xoắn đỉnh. Các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc theophyllin bao gồm: lo lắng, vật vã, nôn, buồn nôn, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh …
– Nhịp tim nhanh: đây là tác dụng phụ thường gặp của các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic, và thuốc nhóm theophyllin. Tuy nhiên, tác dụng phụ xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau tuỳ thuộc từng bệnh nhân, có bệnh nhân ghi nhận tác dụng mạch nhanh nhiều, thậm chí có hồi hộp, trống ngực, tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân tác dụng này chỉ thoảng qua, và không gây khó chịu gì.
– Run tay: đây là tác dụng phụ thường thấy trên một số bệnh nhân dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic, có bệnh nhân xuất hiện run tay nhiều, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không thấy xuất hiện run tay. Tác dụng phụ này lành tính, và thường hết ngay khi dừng thuốc.
– Chuột rút: là tác dụng không mong muốn gặp trên những bệnh nhân dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic. Một số bệnh nhân ghi nhận chuột rút, gây đau cơ, thậm chí phải dừng thuốc. Tác dụng phụ này thường khá lành tính, và không gây hại cho người bệnh.
– Khô miệng: là tác dụng phụ rất hay gặp khi dùng thuốc nhóm kháng cholinergic. Để tránh tác dụng này, thường nên ngậm chút nước sau khi dùng, hoặc chuyển sang dùng thuốc kháng cholinergic loại tác dụng chậm và kéo dài.
– Hạ kali máu: đây là tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic. Tác dụng phụ này càng có nguy cơ xuất hiện, và nặng hơn khi dùng kèm corticoid đường toàn thân. Do vậy, nên lưu ý bù kali cho những bệnh nhân dùng kèm corticoid và thuốc cường beta 2 adrenergic đường toàn thân.
2. Các thuốc nhóm corticoid
Các thuốc corticoid được dùng trên các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản chủ yếu nhằm hạn chế tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính của các bệnh nhân, do đó làm giảm thắt hẹp đường thở.
Các thuốc corticoid được chia thành hai nhóm theo dạng sử dụng:
– Corticoid đường toàn thân: prednisolon, methylprednisolon;
– Corticoid đường phun – hít: beclomethasone, budesolide, fluticasone …
Corticoid đường toàn thân thường được chỉ định cho những bệnh nhân có đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đợt cấp của hen phế quản. Khi bệnh đã được kiểm soát, các bệnh nhân thường được bác sỹ chỉ định dùng thuốc corticoid dạng phun hít.
Các tác dụng phụ thường gặp của corticoid bao gồm:
– Kích ứng niêm mạc dạ dày: đây là biểu hiện thường gặp khi dùng corticoid đường toàn thân. Bệnh nhân có thể có biểu hiện ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, chướng hơn, hoặc thậm chí có trường hợp đau bụng dữ dội sau dùng thuốc. Khi soi dạ dày có thể thấy viêm xung huyết niêm mạc, hoặc thậm chí loét dạ dày, hành tá tràng;
– Tăng đường máu: nhiều bệnh nhân khi dùng corticoid đường toàn thân kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hoá đường máu, hoặc thậm chí có thể xuất hiện đái tháo đường typ 2. Những bệnh nhân đang có bệnh đái tháo đường khi dùng corticoid có thể gây tăng đường máu, làm bệnh đái tháo đường khó kiểm soát hơn;
– Loãng xương: đây là biểu hiện thường thấy khi dùng corticoid đường toàn thân kéo dài;
– Da mỏng, dễ xuất huyết dưới da thành đám;
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng: do corticoid gây ức chế miễn dịch, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp;
– Hạ kali máu: đây là biểu hiện thường thấy, đặc biệt khi dùng phối hợp corticoid đường toàn thân với thuốc cường beta 2 adrenergic đường toàn thân;
– Hội chứng giả cushing do dùng corticoid kéo dài: ở trường hợp này, người bệnh có biểu hiện mặt tròn như mặt trăng, bụng béo mỡ, teo cơ chân, tay, da mỏng. Các biểu hiện này gặp khi người bệnh dùng thường xuyên corticoid đường uống kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm;
– Suy thượng thận: gặp khi bệnh nhân đang dùng corticoid đường toàn thân, sau đó dừng đột ngột. Lúc này tuyến thượng thận đang bị ức chế do dùng corticoid, nay dừng đột ngột, nên chưa kịp phản ứng để sản xuất corticoid thay thế. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp;
– Nấm họng: là tác dụng phụ có thể gặp khi dùng corticoid đường phun hít. Do thuốc đọng ở họng và vùng dây thanh ấm, nên có thể gây nấm họng.
3. Các biện pháp ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc
Cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đều là hai căn bệnh mạn tính, không thể được điều trị khỏi, do vậy đều cần dùng thuốc kéo dài, chính vì vậy, cần tìm ra các biện pháp, hoặc cách dùng thuốc giúp ngăn ngừa tác dụng phụ. Các biện pháp thường bao gồm:
– Dùng thuốc dạng phun – hít: đây là dạng ưa dùng nhất hiện nay. Việc dùng thuốc dạng phun – hít giúp ngăn ngừa cơ bản việc xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc. Hiệu quả ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc là do: thuốc được đưa trực tiếp tới niêm mạc đường thở, do vậy sẽ có nồng độ cao nhất ở niêm mạc đường hô hấp, trong khi nồng độ thuốc vào máu rất thấp, trong khi, nếu dùng ở dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch thì liều dùng khá cao, thuốc vào máu, rồi mới đến niêm mạc đường thở (Ví dụ: cùng là thuốc salbutamol, khi dùng ở dạng uống cần liều 4mg/ lần dùng, tuy nhiên, khi dùng ở liều xịt chỉ cần liều 200mcg/ lần xịt là đủ, như vậy có thể thấy: thuốc dùng dạng uống có liều gấp 20 lần dùng liều ở dạng xịt.
– Xúc miệng sau dùng corticoid dạng phun – hít: việc xúc miệng sau hít thuốc giúp loại bỏ gần như hoàn toàn các thuốc thừa đọng lại ở miệng, họng bệnh nhân sau dùng thuốc. Cách làm: sau dùng các thuốc có corticoid dạng xịt, bột hít, người bệnh ngậm nước sạch, sau đó ngửa cổ, nhẹ nhàng xúc miệng, họng, rồi nhổ bỏ phần nước này. Làm một lần là đủ giúp loại trừ corticoid thừa, do vậy tránh mắc nấm miệng, họng cho bệnh nhân;

– Tiêm vaccin phòng cúm: nên được tiến hành hàng năm, giúp tránh nhiễm cúm, và do đó, làm giảm đáng kể tần xuất các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

TS. Nguyễn Thanh Hồi

Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hô Hấp Việt Nam

Tin liên quan ...