Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có giống hen phế quản không ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đều có những biểu hiện như: ho, khó thở (có thể nghe thấy tiếng cò cứ), khạc đờm ... khá giống nhau. Bệnh thường nặng lên khi có thay đổi thời tiết hoặc nhiễm trùng hô hấp, do vậy, nhiều người thường nhầm lẫn hai bệnh này với nhau

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là 2 bệnh có điểm chung là tình trạng co thắt phế quản, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đều có biểu hiện khó thở, ho…; ngược lại 2 bệnh này khác nhau ở sự hồi phục của các tổn thương phế quản: trong khi tình trạng co thắt cơ trơn phế quản có thể phục hồi hoàn toàn ở bệnh nhân hen phế quản, thì ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng co thắt này chỉ phục hồi một phần hoặc không hồi phục.
Những bệnh nhân hen phế quản có rối loạn thông khí tắc nghẽn hồi phục hoàn toàn (có thể không cần dùng thuốc), trong khi đó những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có rối loạn thông khí hồi phục không hoàn toàn.
Trên lâm sàng, bệnh nhân hen phế quản thường cảm thấy hoàn toàn bình thường khi hết cơn khó thở hoặc sau khi được điều trị ổn định, trong khi đó bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xuyên có khó thở gắng sức, khó thở liên tục hoặc ho khạc đờm kém dài (tùy theo mức độ nặng của bệnh) ngay cả sau khi đã được điều trị đúng và đầy đủ.
Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ có thể dễ dàng phân biệt giữa hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhìn chung, các bệnh nhân hen phế quản thường bị bệnh khi còn khá trẻ, đến tuổi trưởng thành, tình trạng hen phế quản có thể ổn định và sau đó có thể bị lại ở tuổi trung niên hoặc khi về già, trong khi đó, các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có tiền sử hút thuốc hoặc tiếp xúc khói, bụi kéo dài, bệnh thường chỉ xuất hiện ở những người có tuổi ≥ 40. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp khó phân biệt do biểu hiện lâm sàng tương đối giống nhau, khi đó để phân biệt cần dựa thêm vào khám lâm sàng tỉ mỉ và làm thêm một số thăm dò chức năng thông khí phổi chuyên sâu khác như đo chức năng hô hấp, làm thử nghiệm phục hồi sự co thắt cơ trơn phế quản với thuốc giãn phế quản, hoặc đôi khi việc chẩn đoán phân biệt chỉ thực sự rõ khi bệnh nhân đã được điều trị một hoặc vài đợt.
PGS.TS. Ngô Quý Châu – TS. Chu Thị Hạnh – TS. Nguyễn Thanh Hồi

Tin liên quan ...