Dạng thuốc dùng có liên quan đến tác dụng phụ không ? Tại sao các bác sỹ thường khuyên dùng thuốc đường phun hít ?
Dạng thuốc dùng chắc chắn có liên quan đến nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng thuốc kéo dài để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Việc đánh giá các tác dụng phụ của thuốc có thể chia thành:
1. Thuốc dạng phun hít:
Hầu như tất cả các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện đều đã có dạng phun, hít. Đây là dạng thuốc tốt nhất hiện đang được dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các thuốc này thường có liều dùng thấp hơn rất nhiều so với dạng uống (ví dụ: 1 viên salbutamol có hàm lượng 4mg, tương đương với 4000mcg, như vậy, sẽ gấp 400 lần so với một liều thuốc xịt ventolin 100mcg), với liều thấp như vậy, nhưng thuốc lại được đưa theo đường hô hấp, do vậy, thuốc đọng ở niêm mạc đường thở là chính, mà chỉ ngấm vào máu với nồng độ rất thấp, do vậy rất ít gây tác dụng phụ.
2. Thuốc đường uống:
Dạng thuốc này có hàm lượng thuốc dùng cho 1 lần lớn hơn rất nhiều so với thuốc dùng theo đường phun, hít (ví dụ: salbutamol uống có hàm lượng 4000mcg/ 1 viên, trong khi ventolin xịt chỉ có hàm lượng 100mcg/ liều xịt; hoặc pulmicort có hàm lượng budesonide 500mcg, trong khi một viên medrol có hàm lượng 16000mcg methylprednisolone). Thuốc được dùng theo đường uống, do vậy, thuốc phải qua máu đã, rồi mới tiếp cận niêm mạc đường hô hấp để tạo được tác dụng mong muốn. Chính do vậy, dạng thuốc này thường có tác dụng phụ nhiều hơn, nên thường ít được ưu tiên dùng trong điều trị bệnh
3. Thuốc dùng đường tĩnh mạch
Thuốc dạng này thường chỉ được dùng khi bệnh nhân đang nằm viện. Thuốc tạo được tác dụng nhanh, và mạnh, giúp kiểm soát nhanh các triệu chứng của đợt cấp của bệnh, nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn tất cả các dạng khác.
Chính do việc có thể gây ra các tác dụng phụ ít hơn tất cả các dạng dùng khác, bên cạnh đó, tác dụng mong muốn trong điều trị bệnh lại ưu việt hơn, nên dạng thuốc dùng theo đường phun, hít thường được ưu tiên dùng hơn các dạng khác trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản
TS. Nguyễn Thanh Hồi, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Vai trò của cúm trong bệnh hen phế quản 11/02/2017
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- Hiệu quả của thuốc ức chế bơm proton trong điều trị hen phế quản ở người lớn 15/02/2015