Đặt ống dẫn lưu màng phổi
Rất nhiều bệnh nhân được bác sỹ đặt một ống nhựa dẻo vào khoang màng phổi để dẫn lưu dịch, khí, mủ, hoặc máu ra khỏi khoang màng phổi. Thủ thuật này được các bác sỹ gọi là đặt ống dẫn lưu màng phổi
Các điểm chính trong đặt ống dẫn lưu màng phổi bao gồm:
1. Loại ống dẫn lưu màng phổi:
Có rất nhiều loại ống dẫn lưu màng phổi được sử dụng, như: ống thông dạ dày (vô trùng hoàn toàn), ống dẫn lưu màng phổi bằng silicone, các ống dẫn lưu màng phổi chuyên dụng. Ở Việt Nam, do hạn chế về chi phí điều trị, do vậy nhiều cơ sở y tế hiện vẫn đang dùng ống dẫn lưu dạ dày để đặt vào khoang màng phổi, tuy nhiên, về lâu dài nên sử dụng các ống dẫn lưu chuẩn, được thiết kế riêng cho dẫn lưu khoang màng phổi do dễ thao tác, giảm tai biến, cải thiện hiệu quả dẫn lưu.
2. Kích thước ống dẫn lưu màng phổi:
Kích thước ống dẫn lưu được đặt vào khoang màng phổi tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể. Tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi trên những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính hoặc tràn máu màng phổi: thường được chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi cỡ lớn (đường kính khoảng 8mm – 10mm), trong khi những trường hợp tràn khí màng phổi xuất hiện lần đầu, ở bệnh nhân không có bệnh phổi mạn tính thường được chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi cỡ nhỏ hơn (đường kính 4mm – 8mm).
3. Vị trí đặt ống dẫn lưu màng phổi:
Thông thường là ở khoang liên sườn IV, đường nách trước
4. Cách đặt ống dẫn lưu:
– Khi bệnh nhân đã có chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi (bệnh lý cần đặt dẫn lưu, không có rối loạn đông máu, không giảm tiểu cầu…).
– Bệnh nhân được đặt nằm ngửa, hai tay giơ cao lên đầu để bộc lộ toàn bộ phần ngực cần đặt ống dẫn lưu.
– Tiến hành sát trùng rộng vùng đặt ống dẫn lưu.
– Trải khăn vô trùng lên vùng vừa sát trùng.
– Tiến hành gây tê tại chỗ.
– Dùng lưỡi dao mổ rạch một vết dài 1-1,5cm
– Dùng kẹp tách dần từng lớp cho đến khi vào đến khoang màng phổi.
– Đưa ống dẫn lưu vào khoang màng phổi
– Khâu cố định ống dẫn lưu vào thành ngực bệnh nhân. Băng ép tại chỗ
– Nối máy hút dẫn lưu liên tục
5. Theo dõi hàng ngày:
Các thông số cần theo dõi bao gồm: tình trạng chung của bệnh nhân, lượng khí, dịch, mủ, máu được hút ra hàng ngày. Có thể cần chụp X quang phổi để kiểm tra hiệu quả của hút dẫn lưu màng phổi.
Các điều trị khác tùy theo từng bệnh lý cụ thể
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Nhiễm khuẩn hô hấp – Thực trạng và thách thức 15/02/2015
- Nghệ thuật sử dụng kháng sinh trong kỷ nguyên đề kháng 15/02/2015
- Sự suy giảm vai trò của phẫu thuật trong bệnh lý màng phổi 15/02/2015
- Tràn khí màng phổi thường gặp trong sinh thiết phổi 15/02/2015
- Sử dụng chất hoạt hóa Plasminogen tổ chức và DNase trong nhiễm trùng màng phổi 15/02/2015