Giãn phế quản và cách phòng chống
Hầu hết các bệnh nhân giãn phế quản đều có những lâm sàng như: ho dai dẳng, khạc đờm mủ hàng ngày khá nhiều, hơi thở có mùi rất hôi. Có thể ho ra máu (từ ít đến nhiều). Riêng ở trẻ em, ít gặp các trường hợp ho ra máu. Các dấu hiệu bệnh […]
Hầu hết các bệnh nhân giãn phế quản đều có những lâm sàng như: ho dai dẳng, khạc đờm mủ hàng ngày khá nhiều, hơi thở có mùi rất hôi. Có thể ho ra máu (từ ít đến nhiều). Riêng ở trẻ em, ít gặp các trường hợp ho ra máu.
Các dấu hiệu bệnh cần được chú ý
Ở vùng phổi bị giãn phế quản viêm phổi tái diễn nhiều lần hàng năm về mùa lạnh. Người bệnh sút cân, thiếu máu, yếu sức, hầu hết có biểu hiện đường hô hấp trên kèm theo như (viêm mũi, xoang chảy mủ). Triệu chứng đau ngực có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn phế quản ở vùng giãn phế quản. Nếu giãn phế quản lan rộng cả hai bên có thể làm người bị tím tái, khó thở… Nhiều trường hợp mắc phải căn bệnh này còn có ngón tay hình dùi trống. Giãn phế quản có thể kèm theo một vài bệnh sau: viêm xoang, viêm khớp dạng thấp, viêm đại tràng mạn tính, vô sinh, hội chứng móng tay vàng, luput ban đỏ hệ thống, viêm mạch với các xuất huyết ở da và tăng các phức hợp miễn dịch lưu hành…
Khi nghe phổi, thường xuyên có ran (tạp âm trong bệnh lý sinh ra khi có luồng không khí đi qua phế quản, phế nang có nhiều dịch tiết hoặc bị hẹp lại) khu trú ở vùng có giãn phế quản, thường là 2 đáy thổi. Nếu có tắc nghẽn phế quản kèm theo thì nghe có ran ngáy lan toả cả hai phổi hoặc có tiếng thở rít. Khi có ran ẩm hoặc ran nổ khu trú thường xuyên ở đáy phổi trong khi Xquang phổi lại bình thường, thì phải nghĩ đến giãn phế quản. Giãn phế quản sau nhiễm khuẩn thường ở thùy trên. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, áp-xe phổi, tâm phế mạn. Những biến chứng này có thể gây tử vong, nhất là trên nền sức khỏe của người có bệnh mạn tính đi kèm, người già, trẻ em suy dinh dưỡng…
Nên tiêm phòng vaccin cúm, phế cầu để phòng bệnh
Muốn điều trị hiệu quả bệnh phải loại trừ mọi kích thích phế quản: thuốc lá, thuốc lào, khói bếp, khói bụi công nghiệp… Phát hiện và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở răng, tai mũi họng. Phải phục hồi chức năng hô hấp: cần làm thường xuyên với tập thở, ho có điều khiển, gõ ngực cho đờm dễ dàng dẫn lưu ra ngoài, nằm đầu thấp với các tư thế khác nhau tùy theo vùng phế quản giãn nhiều lần trong ngày để dẫn lưu theo tư thế; phun hít thuốc giãn nở phế quản kích thích β2 (salbutamol, terbutaline…). Khi bệnh nhân sốt, khạc nhiều đờm, đờm mủ, biến chứng nhiễm khuẩn nhu mô, màng phổi dùng các kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Nếu bệnh nhân quá nhiều đờm dịch ùn tắc phế quản hay các tổn thương gây tắc phế quản không đáp ứng tốt với thuốc phải tiến hành nội soi phế quản để hút dịch.
Trường hợp giãn phế quản cục bộ một bên phổi,khi nung mủ nhiều hoặc ho máu nặng, điều trị nội khoa thất bại cần phải phẫu thuật. Để phòng bệnh hiệu quả, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hệ hô hấp. Nếu bị viêm phế quản, viêm mũi, xoang cần điều trị sớm và triệt để. Các vaccin phòng cúm, phế cầu cũng được khuyến cáo nên sử dụng, cần tiêm nhắc lại hàng năm trước mùa dịch dễ bùng phát khoảng 1 tháng. Trẻ em và người già, người hay mắc bệnh đường hô hấp rất cần được bảo vệ bằng vaccin./.
Tin liên quan ...
- Ảnh hưởng của tập luyện trên dòng thở và đặc tính đờm ở bệnh nhân xơ hóa kén 15/02/2015
- Nhiễm khuẩn hô hấp – Thực trạng và thách thức 15/02/2015
- Nghệ thuật sử dụng kháng sinh trong kỷ nguyên đề kháng 15/02/2015
- Biến chứng hô hấp trong bệnh xơ hóa kén 15/02/2015
- Đặt giá đỡ và tạo hình khí phế quản giúp cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân có hội chứng Mounier-Kuhn 15/02/2015