Tại sao tôi thường xuyên bị nhiễm trùng ở đường hô hấp ?
Các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường chủ yếu được điều trị tại nhà và khám định kỳ hàng tháng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, người bệnh có thể xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp cấp, làm bệnh nặng lên đáng kể. Vậy lý do gì khiến người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường hay có những đợt nhiễm trùng hô hấp cấp ?
Bạn bị nhiễm khuẩn đường hô hấp thường xuyên được giải thích bằng sự giảm khả năng bảo vệ thứ phát do tiếp xúc nhắc đi nhắc lại với các chất kích thích phế quản như khói thuốc lá, các hơi khí độc công nghiệp. Sự tổn thương các thảm nhầy lông chuyển đường hô hấp làm cho khả năng làm sạch không khí thở và làm sạch đường hô hấp bị giảm sút vì vậy khả năng bị nhiễm trùng càng tăng lên. Thảm nhầy lông chuyển này được cấu thành bởi các tế bào có lông chuyển và các tế bào tiết nhầy của niêm mạc đường hô hấp. Các tế bào tiết nhầy liên tục tiết ra chất nhầy, tạo ra lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc đường thở, lớp chất nhầy này có đặc điểm đặc, quánh ở bề mặt, nhưng lại lỏng ở bên dưới, do vậy, khi các lông chuyển đẩy ra ngoài chúng sẽ duỗi thẳng và chạm vào bề mặt lớp nhầy phía trên, trong lúc chuyển động ngược vào trong chúng sẽ cong xuống dưới và chuyển động trong lớp nhầy lỏng. Hoạt động này tương tự như hoạt động của mái chèo thuyền. Thảm nhầy lông chuyển này sẽ bẫy các chất có trong khói thuốc lá, trong bụi, thậm chí là có thễ bẫy được một số vi trùng. Nhờ có hoạt động của các lông chuyển cục nhầy này sẽ được đẩy ra khỏi đường hô hấp khi ra khỏi khí quản hoặc được nuốt xuống dạ dày hoặc ho khạc ra ngoài.
Khi mà số thuốc lá bạn hút vượt quá 40.000 điếu (tương đương hút mỗi ngày 1 bao trong thời gian > 5,5 năm) thì thảm nhầy lông chuyển của bạn hoàn toàn bị phá hủy vĩnh viễn. Các vi khuẩn càng khó bị đẩy ra ngoài và có xu hướng sinh sôi trong lòng phế quản và dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp.
PGS.TS. Ngô Quý Châu – TS. Chu Thị Hạnh – TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015