Khí máu động mạch là gì ?
Thông thường, máu sau khi tiếp nhận đầy đủ oxy khi qua phổi, sẽ được đưa về tim, từ đây tim đưa máu đi khắp cơ thể bằng cách bơm máu vào các động mạch. Sau khi máu giàu oxy đi qua tổ chức, tế bào nhận oxy và thải khí cacbonic để quay trở lại tim, được đưa lên phổi và từ đó thải ra ngoài
Để đánh giá hiệu quả của quá trình trao đổi khí, trên lâm sàng, các bác sĩ thường tiến hành đo nồng độ các khí trong máu động mạch, xét nghiệm này được gọi là khí máu.
Trong thực tế máu sẽ được lấy từ động mạch và không cần phải buộc ga rô ở cánh tay (ngược lại với cách lấy máu qua đường tĩnh mạch). Thông thường người ta lấy máu ở động mạch quay ở cổ tay. Để xét nghiệm được chính xác trước khi lấy máu bệnh nhân được nghỉ ngơi trong 10 phút. Bạn sẽ hít thở khí trời một lúc, trong trường hợp suy hô hấp mạn tính thì xét nghiệm có thể được thực hiện khi bạn đang thở oxy.
Phân tích máu động mạch có thể xác định đươc:
Nồng độ oxy hay áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch (PaO2) tính bằng ki lô pascal (Kpa) hoặc mmHg. Bình thường ở người khỏe mạnh PaO2 > 12,6Kpa (95 mmHg). Trong bệnh lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do bệnh tiến triển liên tục, nên nồng độ oxy trong máu của bạn sẽ giảm dần, nồng độ oxy trong máu không đủ để cung cấp cho các tế bào trong cơ thể, khi đó người bệnh xuất hiện biểu hiện khó thở, và được đánh giá là suy hô hấp. Thiếu oxy chỉ xuất hiện lúc gắng sức đó là lúc mà bệnh của bạn còn ở giai đoạn nhẹ.
Khi có thiếu oxy cả lúc nghỉ ngơi lúc đó bạn cần được thở oxy. Liều lượng oxy sẽ được tính toán phụ thuộc vào kết quả khí máu động mạch của bạn. Khí máu động mạch lúc thở oxy cần phải đạt gần đến mức bình thường nếu có thể được. Nồng độ khí cacbonic (CO2) hay áp lực riêng phần của khí CO2 trong máu động mạch (PaCO2) được đo bằng mmHg, bình thường PaCO2 vào khoảng 5,4Kpa (42mmHg) trong suốt cả cuộc đời của một người khỏe mạnh. Khi mà sự trao đổi khí bị giảm sút thì ta sẽ thấy trước hết là giảm nồng độ oxy trong máu sau đó ở những giai đoạn nặng của suy hô hấp lúc đó có tăng cả khí CO2. Tăng nồng độ khí CO sẽ độc và có các biến chứng bất lợi đối với cơ thể: ngủ gà, đau đầu, đôi khi nặng là hôn mê…, trong trường hợp này nhập viện là bắt buộc để có các điều trị phù hợp. pH là độ toan máu (acid máu).
Kết quả tương đối ổn định ở những người khỏe mạnh vào khoảng 7,40. pH có thể giảm xuống trong giai đoạn mất bù cấp tính của COPD, và lúc đó cần được điều trị trong bệnh viện thường là ở khoa hồi sức tích cực.
Việc lấy khí máu động mạch thường không mất nhiều thời gian.
Điều khó chịu của xét nghiệm này đó là hơi đau một chút khi lấy máu và có thể xuất hiện mảng tụ máu nếu chỗ lấy máu không được ép đủ chặt và đủ lâu sau khi lấy máu.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015