Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có ảnh hưởng gì đến tim không ?
Do tim và phổi có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nên bệnh lý ở phổi chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới tim. Khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, các mạch máu ở phổi bị co thắt, do vậy làm tim phải hoạt động nhiều hơn. Lâu dần sẽ gây suy tim phải, rồi suy tim toàn bộ
Nếu như phần tim trái đưa máu đến các mô và cơ quan trong cơ thể không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì phần tim phải ngược lại sẽ chịu tác động của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nó càng bị ảnh hưởng nhiều khi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nặng.
Trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi các phế quản và các phế nang của phổi bị thay đổi làm cho các mạch máu bao bọc phế quản và các phế nang cũng bị tổn thương do đó gây cản trở lưu thông máu. Sự cản trở tuần hoàn này là do tăng áp lực ở thượng nguồn có nghĩa là không phải chỉ ở các động mạch phổi mà ở cả các buồng tim phải. Sự tăng áp lực này sẽ dẫn đến tình trạng cản trở lưu thông máu ở động mạch phổi (tăng áp lực động mạch phổi) và làm cho buồng tim phải dần dần giãn ra.
Tổn thương phế quản và phế nang càng nhiều thì áp lực máu trong tuần hoàn phổi càng tăng, tim phải càng phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày gây giãn và suy tim phải. Mức độ giãn các buồng tim phải có thể đo được một cách đơn giản bằng siêu âm tim. Trong một số ít trường hợp, có thể cần phải tiến hành đo áp lực động mạch phổi thông qua việc đưa một ống thông nhỏ (có gắn bộ phận nhận cảm áp lực ở đầu) qua tĩnh mạch đùi, rồi đưa dần lên động mạch phổi.
Trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất nặng, tim phải không còn đảm bảo được chức năng bơm máu của nó, sự ứ trệ máu ngoại vi gây thoát nước vào trong mô, thường có biểu hiện đầu tiên ở những phần thấp của cơ thể, sau đó lan dần lên trên. Các triệu chứng thường thấy đầu tiên là phù hai chân, ấn lõm, trường hợp nặng có thể thấy phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, màng phổi, tinh hoàn. Biến chứng này của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được gọi là tâm phế mạn.
Sự xuất hiện của tâm phế mạn là dấu hiệu nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng lên một cách đột ngột bởi một đợt cấp lúc đó tim không thể đảm bảo được chức năng của mình một cách tối thiểu: xuất hiện dấu hiệu của tâm phế cấp, dấu hiệu này sẽ mất đi sau khi được điều trị thích hợp.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015