Sinh thiết màng phổi là gì ?
Hầu hết các trường hợp tràn dịch màng phổi dịch tiết đều do bệnh lý màng phổi, để chẩn đoán các bệnh lý này, các thầy thuốc thường chỉ định sinh thiết màng phổi. Vậy sinh thiết màng phổi là gì ?
Sinh thiết màng phổi là việc sử dụng kim sinh thiết (sinh thiết màng phổi kín hay còn được gọi là sinh thiết màng phổi mù), hoặc kìm sinh thiết (sinh thiết màng phổi khi nội soi khoang màng phổi).
1. Sinh thiết màng phổi kín (hoặc còn được gọi là sinh thiết màng phổi mù):
Dùng kim sinh thiết màng phổi (kim castelain, abram hoặc cope) chọc qua thành ngực vào vùng có dịch ở khoang màng phổi. Sau khi đã chắc chắn đưa được kim dẫn đường vào khoang màng phổi, nòng của kim dẫn đường được rút ra, sau đó kim cắt được đưa vào để cắt bệnh phẩm. Mỗi lần sinh thiết thường lấy 3-4 mảnh để gửi xét nghiệm mô bệnh học.
Ưu điểm của kỹ thuật: dễ triển khai
Nhược điểm: do là sinh thiết màng phổi mù, nên có thể sinh thiết không đúng vị trí tổn thương, bên cạnh đó có thể có tai biến như chảy máu, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng.
2. Sinh thiết màng phổi qua nội soi:
Thực hiện khi nội soi lồng ngực, đưa ống soi quan sát khắp bề mặt màng phổi, khi phát hiện tổn thương, tiến hành sinh thiết bằng kìm. Vị trí sinh thiết thường là phần màng phổi bám vào thành ngực, bên dưới là xương sườn để tránh nguy cơ cắt vào các mạch máu ở khoang liên sườn.
Ưu điểm: giúp sinh thiết chính xác tổn thương, do vậy làm gia tăng khả năng chẩn đoán. Giúp giảm tỷ lệ tai biến do sinh thiết được tiến hành khi nhìn rõ vị trí sinh thiết.
Nhược điểm: bệnh nhân phải chịu thêm cuộc phẫu thuật, giá thành kỹ thuật cao
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Nội soi phế quản trong chẩn đoán ung thư phổi 07/03/2020
- Vai trò của các dấu ấn ung thư trong chẩn đoán ung thư phổi 08/01/2016
- Các biến chứng thường gặp trong sinh thiết u phổi xuyên thành ngực 03/01/2016
- Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán u phổi 03/01/2016
- PET CT là gì và vai trò trong chẩn đoán ung thư phổi 02/01/2016