Bác sỹ thường làm gì khi nghi ngờ bạn bị giãn phế quản ?

Có nhiều thăm dò mà bác sỹ thường yêu cầu làm khi có nghi ngờ một bệnh nhân bị giãn phế quản, các xét nghiệm này giúp khẳng định chắc chắn một bệnh nhân bị giãn phế quản, đánh giá mức độ nặng của bệnh, căn nguyên gây đợt cấp và khả năng phẫu thuật cắt bỏ vùng giãn phế quản.

Các xét nghiệm thường được yêu cầu tiến hành bao gồm:
1. Chụp X quang phổi thẳng:
Giúp chẩn đoán xác định giãn phế quản ở những trường hợp giãn phế quản nhiều, những trường hợp giãn phế quản ít hoặc giãn khu trú có thể không thấy trên phim chụp X quang phổi thẳng. Khi đó các bệnh nhân đều được yêu cầu chụp cắt lớp vi tính ngực lớp mỏng, độ phân giải cao.
2. Chụp cắt lớp ngực:
Hầu hết các bệnh nhân đều được yêu cầu chụp cắt lớp ngực để chẩn đoán xác định giãn phế quản. Bên cạnh đó, phim chụp cắt lớp ngực còn cho thấy vị trí chính xác vùng giãn phế quản. Chỉ những trường hợp giãn phế quản khu trú tại một thùy phổi mới có chỉ định mổ cắt bỏ vùng giãn phế quản đó.
3. Nội soi phế quản:
Nhằm xác định nguyên nhân giãn phế quản. Khi nội soi, các bác sỹ thường sẽ quan sát sự thông thoáng trong lòng phế quản, tình trạng ứ đọng dịch, mủ. Hút các dịch này mang đi làm xét nghiệm có thể tìm thấy hình ảnh vi khuẩn gây đợt bội nhiễm của giãn phế quản, hoặc thấy hình trực khuẩn lao. Một số trường hợp giãn phế quản xuất hiện sau dị vật phế quản hoặc u phổi gây tắc lòng đường thở có thể được chẩn đoán xác định khi nội soi phế quản.
4. Các xét nghiệm vi sinh:
Bệnh phẩm mang xét nghiệm là đờm, dịch phế quản. Các xét nghiệm được tiến hành bao gồm: xét nghiệm tìm vi khuẩn, trực khuẩn lao, các xét nghiệm PCR-BK, cấy MGIT…
5. Đo chức năng hô hấp:
Nhằm đánh giá tình trạng rối loạn thông khí. Khoảng 50% số bệnh nhân giãn phế quản có rối loạn thông khí tắc nghẽn do sự thắt hẹp cơ trơn, phù nề và tăng tiết dịch. Những bệnh nhân này thường sẽ được điều trị với thuốc giãn phế quản và corticoid trong các đợt cấp
6. Các xét nghiệm đánh giá chung:
Như thành phần tế bào máu, chức năng gan, thận, đường máu, tình trạng đông máu, máu lắng….
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...