Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nhanh hay chậm ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nhanh hay chậm liên quan chủ yếu tới tình trạng tiếp tục tiếp xúc yếu tố nguy cơ (tiếp tục hút thuốc), điều trị bệnh không đầy đủ, và việc xuất hiện các đợt cấp của bệnh. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi bệnh đã nặng

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển từ từ và thầm lặng, nhiều bệnh nhân không biết mình đang bị bệnh cho đến khi xuất hiện khó thở, họ mới đi khám, khi đó bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bệnh thường tiến triển nặng lên rất nhanh mỗi khi có đợt cấp do bội nhiễm hoặc tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Nhiều thầy thuốc cho rằng, bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mỗi khi có đợt cấp do bội nhiễm có tiên lượng nặng hơn cả nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện đang hút thuốc hoặc có tiếp xúc với khói thuốc, khi ngừng hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc thì tiến triển của bệnh chậm lại đáng kể, nhiều trường hợp, khi ngừng hút thuốc, bệnh nhân có thể hoàn toàn ổn định và tránh được nhập viện trong thời gian dài. Những trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiếp tục hút thuốc, các triệu chứng như ho, khó thở, khạc đờm xuất hiện nhiều hơn, mức độ khó thở nặng hơn, bệnh nhân hay có những đợt cấp cần nhập viện hơn, bên cạnh đó, những đợt cấp thường nặng hơn so với những trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dừng hút thuốc.
Nhìn chung, những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không dừng hút thuốc, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối nhanh chóng, ở giai đoạn này, người bệnh thường có biểu hiện phù chân, khó thở thường xuyên. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường hay xuất hiện những đợt cấp có khó thở nặng hoặc nguy kịch, đến mức có thể gây tử vong.
PGS.TS. Ngô Quý Châu – TS. Chu Thị Hạnh – TS. Nguyễn Thanh Hồi

Tin liên quan ...