Các cách lấy bệnh phẩm để chẩn đoán lao ?

Để hướng tới chẩn đoán lao ở phổi hoặc lao ở một bộ phận nào đó của cơ thể cần dựa vào việc thăm khám, phát hiện các triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên, để chẩn đoán chắc chắn bị bệnh lao cần dựa vào việc tìm thấy vi khuẩn lao hoặc các hình ảnh tổn thương điển hình do vi khuẩn lao gây ra. Vậy, các bệnh phẩm thường được lấy theo những cách nào ?

Lấy đờm:
Đờm thường được lấy vào buổi sáng, ngay khi vừa ngủ dậy, hoặc cũng có thể lấy đờm ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Bệnh nhân được yêu cầu hít thở sâu 4-5 lần, sau đó ho sâu, mạnh, và khạc đờm vào lọ đựng bệnh phẩm.
Cần lưu ý, có sự khác nhau giữa lấy đờm cho chẩn đoán lao (ho khạc ngay khi ngủ dậy) so với lấy đờm để tìm vi khuẩn không phải lao (thường cần xúc miệng sạch rồi mới ho khạc đờm).
Hút dịch dạ dày
Được làm vào buổi sáng.
Chỉ định cho những bệnh nhân không ho, khạc được đờm. Mặc dù bệnh nhân không khạc được đờm, nhưng trong khi ngủ, bệnh nhân vẫn liên tiếp tiết đờm, và được nuốt vào dạ dày, vi khuẩn lao không bị dịch dạ dày diệt, do vậy lấy đờm vào buổi sáng có thể thấy vi khuẩn lao.
Cách lấy: sáng sớm, ngay khi người bệnh chưa ăn, uống. Tiến hành đặt một ống thông vào dạ dày, sau đó hút dịch và chuyển đi làm xét nghiệm tìm hình ảnh vi khuẩn lao.
Hút dịch màng phổi
Đước tiến hành cho những người có tràn dịch màng phổi.
Người bệnh thường được đặt ở tư thế ngồi ôm lấy lưng của ghế, thầy thuốc ngồi phía sau lưng, sau khi khám, phát hiện vùng có dịch màng phổi, thầy thuốc thường dùng kim nhỏ cỡ 18 – 22 gauge chọc qua thành ngực vào khoang màng phổi của bệnh nhân để hút dịch. Trong trường hợp tràn dịch màng phổi nhiều, thầy thuốc có thể tiến hành tháo tiếp dịch màng phổi cho bệnh nhân, lượng dịch tháo ra tối đa không quá 1000ml cho một lần chọc dịch màng phổi.
Nội soi phế quản để hút dịch phế quản hoặc sinh thiết tổn thương
Trong những trường hợp không lấy được đờm, hoặc bệnh nhân có tổn thương phổi nhưng chưa có chẩn đoán chắc chắn bệnh, hoặc thầy thuốc nghi ngờ có tổn thương trong lòng đường thở, khi đó bệnh nhân sẽ được thầy thuốc giải thích là cần phải tiến hành nội soi phế quản.
Trong nội soi, nếu phát hiện có tổn thương ở bề mặt đường thở, khi đó thầy thuốc thường sẽ sinh thiết lấy một số mảnh ở vùng tổn thương. Trong trường hợp không thấy tổn thương, thầy thuốc có thể tiến hành bơm dịch vào vùng phổi tổn thương được thấy trước trên phim chụp phổi hoặc chụp cắt lớp phổi. Dịch bơm rửa sau đó được hút lại.
Chọc hút các tổn thương
Dùng kim nhỏ cỡ 18-22 gauge chọc vào tổn thương để hút lấy bệnh phẩm, sau đó tiến hành dàn bệnh phẩm này lên lam kính để nhuộm soi.
Sinh thiết các tổn thương
Đây được xem là một trong những cách quan trọng nhất để lấy bệnh phẩm chẩn đoán lao. Tùy theo vị trí tổn thương mà có cách kỹ thuật sinh thiết khác nhau. Các biện pháp sinh thiết hiện nay thường được dùng bao gồm:
Sinh thiết phổi xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính: kim sinh thiết được chọc qua thành ngực, đưa vào tận tổn thương phổi của bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của máy chụp cắt lớp.
Sinh thiết phổi khi nội soi phế quản: trong khi nội soi phế quản, kim sinh thiết được đẩy ra tới tận tổn thương phổi, và sau đó kìm sinh thiết được mở ra, rồi ngoạm lấy một phần tổn thương phổi.
Sinh thiết màng phổi: kim sinh thiết màng phổi được chọc qua thành ngực của bệnh nhân, rồi cắt lấy một số mảnh màng phổi.
Sinh thiết màng bụng: được tiến hành khi nội soi màng bụng.
Sinh thiết hạch: khi phát hiện thấy hạch to, thường ở hố thượng đòn hoặc sau cơ ức đòn chũm (một cơ ở phía bên của cổ), thầy thuốc sẽ tiến hành rạch da, tách dần các lớp dưới da, cho tới khi bộc lộ hoàn toàn được hạch thì lấy hạch này ra ngoài.
Sinh thiết xương: khi thấy tổn thương xương.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...