COPD là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh viêm niêm mạc đường thở mạn tính, gây rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục

COPD là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm từ từ, không hồi phục các giá trị chức năng thông khí phổi. Định nghĩa này hiện được hầu hết các bác sĩ chuyên khoa bệnh phổi sử dụng trong thực hành hàng ngày.
Tổn thương trong COPD ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính < 2mm, và nhu mô phổi, tuy nhiên, ở những giai đoạn nặng, bệnh không chỉ khu trú ở phổi phế quản mà gây tổn thương trên toàn thân như ở tim, cơ, xương, tâm thần….

COPD thường được gợi ý ở những người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, nay xuất hiện thêm ho, khạc đờm mạn tính về buổi sáng. Cần lưu ý, không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng ở những người đang hút thuốc, không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc, vì như vậy sẽ bỏ sót chẩn đoán COPD, đến khi xuất hiện khó thở gắng sức, khó thở thường xuyên hoặc khi thay đổi thời tiết mới đi khám bệnh thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả.

Trong giai đoạn nặng của bệnh, lòng phế quản bị chít hẹp nhiều, niêm mạc viêm, phù nề, các sợi, vách liên kết quanh tiểu phế quản tận và giữa các phế nang bị phá hủy, làm cho lòng tiểu phế quản bị tắc hẹp thường xuyên, đặc biệt mỗi khi người bệnh thở ra càng làm gia tăng tình trạng ứ khí. Các thành phế nang rất mỏng, lại bị phá hủy nhiều do khói thuốc lá, và các yếu tố độc hại khác, khi chịu tác động của sự căng giãn thường xuyên lại càng làm gia tăng tình trạng căng giãn nhu mô phổi, lâu dài làm lồng ngực người bệnh căng phồng lên, có thể thấy bằng mắt thường là lồng ngực có đường kính trước sau lớn hơn đường kính ngang, khi đó gọi là lồng ngực có hình thùng.

Trong giai đoạn nặng của COPD, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi chứa khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bệnh nhân bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan đặc biệt là tim. Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… về lâu dài, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác cô đơn, cảm giác mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội… do vậy có thể gây trầm cảm… Bên cạnh đó, khoảng 60% các bệnh nhân COPD có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ ngày, càng làm gia tăng tình trạng trầm cảm của bệnh nhân.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi

Tin liên quan ...