Đo chức năng hô hấp được thực hiện bằng cách nào ? phương pháp nào ?
Có nhiều cách đo, cũng như nhiều phương pháp đo chức năng hô hấp hiện đang được sử dụng trong thực hành lâm sàng, có thể tham khảo dưới đây:
Phương pháp thường được sử dụng nhất là đo chức năng hô hấp bằng máy phế dung kế, nó cho phép đo được các thể tích và các lưu lượng phổi.
Phép đo lưu lượng thở ra và các thể tích phổi động được thực hiện nhờ có một bộ phận nhận cảm nhẹ ít cồng kềnh, nó giống như một chiếc ống, trong đó có một đầu được thiết kế là chỗ bạn sẽ ngậm miệng vào để thổi.
Phép đo các thể tích tĩnh (đặc biệt là thể tích khí cặn là thể tích khí còn lại trong phổi ngay cả khi bạn đã thở ra hết sức, lượng khí này giúp phổi bạn không bị xẹp hoàn toàn) đòi hỏi phải có một máy đo và phòng để đo cồng kềnh hơn như buồng đo thể tích ký thân giống như một kiểu cabin điện thoại mà ở trong đó bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện các phép đo hô hấp đặc biệt hoặc đo bằng phương pháp pha loãng khí heli (khi đó một chất khí không gây hại sẽ được đưa vào phổi của bạn thông qua việc hít thở thông thường, sau đó máy sẽ đo nồng độ khí này và tính toán ra các thể tích khí còn lưu lại trong phổi đã thở ra hết sức) Tùy thuộc vào máy đo được sử dụng mà bạn có thể thổi vào một ống ngậm ở miệng (ống này giống như ống thở của thợ lặn) ống này nối với máy đo chức năng hô hấp, mũi của bạn sẽ được kẹp lại bởi một chiếc kẹp mũi và như vậy bạn chỉ có thể thở bằng miệng. Những động tác khác mà bạn được đề nghị thực hiện như căng phồng ngực hoặc thở ra nhanh mạnh nhằm phát hiện sự tắc nghẽn.
Để đo lưu lượng không khí thở mạnh tối đa (lưu lượng đỉnh), các bác sĩ đa khoa có thể dùng một dụng cụ rất đơn giản gọi là ống đo lưu lượng đỉnh, nó là một ống nhỏ, nhẹ, cho phép đo lưu lượng không khí chứa trong các phế quản lớn. Xét nghiệm này có độ nhạy thấp trong việc phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Kết quả thu được ít cụ thể hơn so với kết quả thu được từ đo bằng máy phế dung kế. Nó được quan tâm trong việc theo dõi sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở nhà hoặc ở nơi làm việc.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015