Thử nghiệm giãn phế quản là gì ?
Ở những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen phế quản, khi đo chức năng hô hấp phát hiện có rối loạn thông khí tắc nghẽn, khi đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm test hồi phục phế quản. Vậy, test hồi phục phế quản là gì ? và test này có vai trò gì ? chúng được làm như thế nào ?
Thử nghiệm giãn phế quản là thăm dò sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít nhằm giúp đánh giá đáp ứng của cơ trơn đường thở của bệnh nhân với thuốc giãn phế quản (hoặc trong một số trường hợp dùng corticoid).
Thăm dò được làm bằng cách:
1. Người bệnh được đo chức năng hô hấp trước, nhờ đó có các chỉ số như FEV1 (thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên) và FEV1/FVC (tỷ lệ giữa thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên chia cho dung tích sống gắng sức). Khi chỉ số FEV1/FVC < 70%, khi đó người bệnh được chẩn đoán có rối loạn thông khí tắc nghẽn. Những trường hợp này thường được yêu cầu đánh giá khả năng đáp ứng của cơ trơn đường thở với thuốc giãn phế quản.
2. Người bệnh được yêu cầu hít 400mcg salbutamol (4 nhát xịt ventolin). Sau đó ngồi chờ 20 phút. Để nâng cao hiệu quả của thuốc hít, thường thuốc sẽ được xịt vào buồng đệm, và người bệnh hít thuốc qua buồng đệm này.
3. Đo lại chức năng hô hấp sau 20 phút xịt thuốc giãn phế quản.
4. Đánh giá kết quả: nếu FEV1 sau khi hít thuốc giãn phế quản 20 phút cải thiện được 200ml và 12%: người bệnh được đánh giá là có test hồi phục phế quản dương tính, khi đó họ được xem là có đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản. Trong trường hợp chức năng hô hấp về hoàn toàn bình thường sau test hồi phục phế quản, người bệnh sẽ được chẩn đoán là hen phế quản
TS. Nguyễn Thanh Hồi, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015