Vai trò của dẫn lưu mủ trong điều trị tràn mủ màng phổi
Tràn mủ màng phổi là một trong những cấp cứu nội khoa. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán có tràn mủ màng phổi, người bệnh thường được tiến hành cùng lúc nhiều can thiệp điều trị, có như vậy mới hy vọng cứu sống bệnh nhân
Các can thiệp điều trị được tiến hành bao gồm:
1. Đặt ống dẫn lưu vào khoang màng phổi: bác sỹ tiến hành rạch da ở khoảng ngực ngay dưới nách, ngang mức núm vú. Sau đó mở một lỗ có kích thước khoảng 1-1,5cm, qua lỗ này các thầy thuốc đưa ống dẫn lưu vào khoang màng phổi của bệnh nhân để dẫn lưu mủ ra ngoài
2. Dùng 2 hoặc 3 kháng sinh theo đường tĩnh mạch. Kháng sinh thường được dùng ngay sau khi chọc dịch màng phổi thấy màu sắc dịch gợi ý tràn mủ
3. Truyền dịch để bồi phụ khối lượng tuần hoàn, dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ > 38,5 độ C
Các điều trị khác thường được cân nhắc chỉ định sau đó như: nội soi khoang màng phổi, phẫu thuật mở ngực, phục hồi chức năng hô hấp…
Trong số các điều trị nêu trên, việc đặt ống dẫn lưu vào khoang màng phổi để dẫn lưu mủ được coi là quan trọng nhất, thậm chí quan trọng hơn cả việc dùng kháng sinh cho bệnh nhân. Việc dẫn lưu mủ tốt, giúp bệnh tiến triển nhanh hơn. Ngược lại, khi dẫn lưu mủ không đạt hiệu quả, thường làm cho bệnh tiến triển chậm, thậm chí có thể làm bệnh nặng thêm
Bên cạnh việc dẫn lưu mủ qua ống dẫn lưu, hàng ngày các thầy thuốc còn tiến hành bơm dịch vô trùng vào khoang màng phổi để rửa, giúp bệnh tiến triển nhanh hơn
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Nhiễm khuẩn hô hấp – Thực trạng và thách thức 15/02/2015
- Nghệ thuật sử dụng kháng sinh trong kỷ nguyên đề kháng 15/02/2015
- Sự suy giảm vai trò của phẫu thuật trong bệnh lý màng phổi 15/02/2015
- Tràn khí màng phổi thường gặp trong sinh thiết phổi 15/02/2015
- Sử dụng chất hoạt hóa Plasminogen tổ chức và DNase trong nhiễm trùng màng phổi 15/02/2015