Xét nghiệm nào cho phép tôi biết rằng tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ?
Khi chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiều bác sỹ hiện chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng, chụp x quang phổi mà bỏ quên vai trò của đo chức năng hô hấp - Đây là thăm dò quan trọng nhất trong chẩn đoán xác định bệnh
Đo chức năng hô hấp là một xét nghiệm cho phép phát hiện và xác định mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Xét nghiệm này có thể đo mức độ tắc nghẽn phế quản của bạn và đồng thời cũng đo được các thể tích khác của phổi. Chức năng hô hấp có thể định lượng được mức độ giãn phế nang phối hợp với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Xét nghiệm này thường được thực hiện lúc nghỉ ngơi tuy nhiên trong một số trường hợp nó có thể được thực hiện khi gắng sức hoặc với thử nghiệm giãn phế quản. Thử nghiệm giãn phế quản có thể cho biết phế quản của bạn có giãn ra hay không (tăng đường kính lòng phế quản) dưới tác dụng của thuốc.
Đo khí máu động mạch cho biết nồng độ oxy và khí CO2 trong máu của bạn. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng nặng thì oxy càng giảm và khí CO2 càng tăng. Thử nghiệm đi bộ nhận biết khoảng cách đi được trong 6 phút. Nó cho phép đánh giá ảnh hưởng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đối với khả năng thực hiện các gắng sức trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu khoảng cách đi được càng ngắn thì chứng tỏ khả năng hoạt động của bạn bị giảm sút nhiều do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
X-quang phổi không cho phép chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chỉ giúp ích trong trường hợp có khí thũng phổi. X-quang phổi cần được chụp một cách thường quy để loại trừ các bệnh lý khác đặc biệt là ung thư phổi.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho phép phát hiện mức độ tiến triển của bệnh cũng như mức độ trầm trọng của khí phế thũng phối hợp. Việc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không phải là xét nghiêm thường quy trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Soi phế quản lại càng không cần thiết để khẳng định chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng nó thỉnh thoảng cũng được thực hiện để loại trừ các bệnh lý khác liên quan đến thuốc lá (như ung thư phổi) hoặc để lấy bệnh phẩm trong trường hợp nhiễm trùng phế quản tái đi tái lại hoặc khó điều trị.
PGS.TS. Ngô Quý Châu, TS. Chu Thị Hạnh, TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Khuyến cáo điều trị COPD theo GOLD 2016 31/12/2015
- Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2015 23/03/2015
- Liệu pháp mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 18/03/2015
- So sánh hiệu quả của thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với thuốc kháng cholinergic trong điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao tuổi 15/02/2015
- Dùng Azithromycin hàng ngày làm giảm tần xuất đợt cấp COPD 15/02/2015