Xử trí ban đầu nuốt dị vật
Nuốt phải dị vật là cấp cứu khá thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Những dị vật nhỏ thường không phải cấp cứu, nhưng những trường hợp nuốt phải dị vật lớn cần được cấp cứu khẩn trương
Nếu bạn nuốt phải dị vật, thông thường các dị vật này sẽ đi từ miệng, qua đường tiêu hóa của bạn, rồi thải ra ngoài theo phân. Trong một số trường hợp khi dị vật to, hoặc có góc, cạnh, chúng có thể vướng và nằm tại thực quản (đoạn ống nối giữa miệng và dạ dày). Trong trường hợp này, bạn cần phải loại bỏ nó đặc biệt khi:
• Dị vật có đầu nhọn: nên được loại bỏ càng sớm, càng tốt, do các dị vật nhọn này có thể xuyên thủng thực quản và gây thêm những tổn thương cho các cơ quan khác xung quanh.
• Các dị vật dạng cục pin, đồng hồ nhỏ hoặc các phím máy tính: nên được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở, Hội Chữ thập đỏ Mỹ khuyến cáo tiếp cận ban đầu “Năm và Năm” như sau:
• Trước hết, dùng bàn tay tay vỗ mạnh năm cái vào phần lưng giữa hai vai nạn nhân.
• Tiếp theo, ép mạnh bụng năm lần (giống nghiệm pháp Heimlich).
• Hoán đổi liên tục giữa vỗ năm cái vào lưng, rồi lại ép năm cái vào bụng cho đến khi không còn tắc nghẽn đường thở.
Gọi cấp cứu 115 ngay để nhờ hỗ trợ.
Tiến hành nghiệm pháp ép bụng (nghiệm pháp Heimlich):
• Đứng phía sau nạn nhân. Dùng hai tay vòng quanh eo nạn nhân. Giữ người bệnh ngả nhẹ ra phía trước.
• Dùng một tay làm nắm đấm. Đặt nắm đấm ngay phía trên rốn.
• Ép mạnh nắm đấm vừa tạo được bằng tay còn lại. Dùng tay còn lại đặt trên nắm đấm, sau đó ép nhanh, mạnh lên phía trên – giống như nhấc bổng nạn nhân lên.
• Làm liên tục 5 lần như vậy nếu thấy cần thiết. Nếu vẫn chưa hết tắc đường thở, lặp lạ chu trình “năm và năm”.
Bạn không thể tự vỗ mạnh vào lưng mình, nhưng bạn có thể tự làm nghiệm pháp Heimlich:
• Đặt nắm đấm ngay phía trên rốn.
• Dùng tay kia áp chắc lên nắm đấm, sau đó ép mạnh ngược lên trên.
• Làm liên tục như vậy 5 lần.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Dịch từ Mayo Clinic)
Tin liên quan ...
- Sốc phản vệ là gì ? 15/02/2015
- Bạn cần làm gì để sẵn sàng đối phó với sốc phản vệ ? 15/02/2015
- Những biện pháp cần thực hiện ngay khi phát hiện người bị sốc phản vệ 15/02/2015
- Làm gì khi bị xúc vật cắn ? 15/02/2015
- Sốt là gì ? 15/02/2015