Những thăm dò giúp chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ?

Trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các câu hỏi thường được đặt ra bao gồm: (1) có chắc chắn người bệnh có chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ? (2) bệnh hiện đang nặng ở mức độ nào ? (3) bệnh đã có biến chứng gì hay chưa ? (4) có cần áp dụng thêm trị liệu gì đặc biệt ở trường hợp này không ?

Để trả lời các câu hỏi nêu trên, ngoài việc hỏi về các yếu tố nguy cơ của bệnh, thăm khám lâm sàng chi tiết, các bác sỹ thường chỉ định thêm một số thăm dò cận lâm sàng như:
1. Đo chức năng hô hấp: thăm dò này giúp đánh giá các lưu lượng khí vào và ra khỏi phổi, từ đó đánh giá được mức độ tắc nghẽn đường thở, tình trạng ứ đọng khí trong phổi.
2. Chụp x quang phổi: nhằm mục đích chính để phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các bệnh khác cũng có biểu hiện ho, khạc đờm, khó thở kéo dài như: lao phổi, giãn phế quản…
3. Đo khí máu động mạch: xét nghiệm này thường được chỉ định khi người bệnh có biểu hiện khó thở thường xuyên…
4. Điện tim: giúp đánh giá biến chứng tim mạch của bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những bệnh nhân có bệnh ở giai đoạn cuối thường có biểu hiện của suy tim phải, hoặc rối loạn nhịp tim.
5. Công thức máu, các xét nghiệm mỡ máu, chức năng gan, thận … giúp đánh giá thêm một số bệnh đồng mắc, các rối loạn chuyển hóa có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Sau khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm như nêu trên, thầy thuốc sẽ trả lời đầy đủ được về các mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các biến chứng đã có của bệnh …
TS. Nguyễn Thanh Hồi, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...