Tôi bị giãn phế quản, tôi cần làm gì để ngăn ngừa các đợt bùng phát ??

Khi bạn bị giãn phế quản, bạn thường rất lo lắng khi bác sỹ giải thích bệnh của bạn không được chữa khỏi hoàn toàn, vậy bạn cần làm gì để cuộc sống ít bị ảnh hưởng bởi bệnh giãn phế quản ?

Bạn cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn điều trị của thầy thuốc, các hướng dẫn thường bao gồm:
1. Tiêm Vaccine phòng cúm hàng năm và tiêm Vaccine phòng phế cầu mỗi 4 năm. Hầu hết các nghiên cứu đều nhận thấy rằng việc tiêm Vaccine phòng cúm và Vaccine phòng phế cầu làm giảm đáng kể các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, điều này làm cho đường thở của bạn ít có nguy cơ bị phá hủy ở mỗi đợt bùng phát của bệnh.
2. Vỗ rung ngực hàng ngày: nên tiến hành vỗ rung ngực đều đặn, bạn nên hỏi bác sỹ xem tư thế vỗ rung nào là phù hợp nhất với bạn (đó là tư thế để phần phổi bị giãn phế quản ở chỗ cao nhất). Khi võ rung, bạn khum bàn tay và vỗ đều lên lưng vùng có giãn phế quản bên dưới. Lực vỗ đều, kết hợp hít sâu, thở mạnh sau vỗ rung để tống đờm ra ngoài. Mỗi lần vỗ rung kéo dài 15-20 phút.
Bạn có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác như: Flutter (thiết bị được thiết kế như một chiếc còi, trên có chứa viên bi, tạo ra lực rung sâu vào phổi khi thổi liên tục), áo rung (Life Vest): áo được quấn quanh ngực bệnh nhân, rồi được nối với máy tạo áp lực. Máy này tạo áp lực thay đổi và gây ra lực rung đều đặn lên ngực người bệnh.
3. Tránh lạnh, ẩm, không đi sớm, về khuya. Mùa lạnh: nên giữ ấm cổ cẩn thận. Giữ môi trường trong nhà luôn sạch, thoáng, khô. Khi đi đường: nên đeo khẩu trang cẩn thận để tránh bụi.
Khi tuân thủ chặt chẽ các biện pháp nêu trên, bạn sẽ giảm đáng kể được các đợt bùng phát, do vậy bạn ít phải nhập viện hơn, kinh tế gia đình ít bị ảnh hưởng hơn, và chất lượng cuộc sống nhờ đó được cải thiện nhiều hơn
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan ...