Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính là thuật ngữ hiện không được dùng phổ biến. Bệnh là tình trạng viêm mạn tính niêm mạc đường thở, gây ho, khạc đờm kéo dài. Cần phân biệt với các bệnh lý khác gây ho kéo dài như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm mũi xoang, lao phổi, ung thư phổi ...
Viêm phế quản mạn tính là thuật ngữ thường sử dụng trong thập kỷ trước, nhằm để chỉ những trường hợp có tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính, tuy nhiên, sau khi xuất hiện thuật ngữ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì thuật ngữ viêm phế quản mạn tính ít được dùng hơn, và hiện nay chỉ được dùng hạn chế cho những trường hợp đã loại trừ hết các căn nguyên gây ho kéo dài như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi kẽ, trào ngược dạ dày, thực quản …
Tổn thương trong viêm phế quản mạn tính chủ yếu khu trú ở niêm mạc đường thở. Bệnh thường khởi phát do các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm, phù nề, tăng tiết và thắt hẹp đường thở. Khi không được điều trị phù hợp, hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp tái đi, tái lại nhiều lần, khi đó bệnh phát triển thành viêm phế quản mạn tính.
1. Triệu chứng lâm sàng
Khi một người có các biểu hiện lâm sàng sau đây thì có thể hướng tới viêm phế quản mạn tính:
– Ho kéo dài: thường ho thúng thắng, hoặc thành cơn, biểu hiện bệnh thường nặng lên sau những đợt nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc khi có thay đổi thời tiết, khi trời lạnh, tiếp xúc khói, bụi ..
– Khạc đờm kéo dài, đờm thường có màu trắng, trong những trường hợp có bội nhiễm do vi khuẩn: đờm thường có màu vàng, hoặc màu xanh;
– Ít gặp sốt trong diễn biến thông thường của viêm phế quản mạn. Biểu hiện này thường gặp hơn khi bệnh nhân viêm phế quản mạn bị cúm, hoặc có những đợt cấp tính nặng do vi khuẩn.
– Khó thở: cũng là biểu hiện ít gặp trong viêm phế quản mạn. Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì thường cần tìm bằng chứng chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, hoặc bệnh nhân có viêm phế quản mạn, nhưng kèm căn nguyên khác gây khó thở như: suy tim…
– Mệt mỏi: người bệnh thường than phiền mệt mỏi, tuy nhiên, ít khi gặp biểu hiện gầy sút cân.
Các biểu hiện bệnh nêu trên thường xuất hiện tái đi, tái lại nhiều lần, việc điều trị mỗi đợt thường kéo dài.
Các bác sỹ thường không nghi nhận dấu hiệu bất thường rõ rệt trên khi tiến hành khám bệnh cho những người có viêm phế quản mạn tính.
2. Các biểu hiện cận lâm sàng:
Trước khi chẩn đoán viêm phế quản mạn tính, các bác sỹ thường chỉ định làm một số xét nghiệm sau để loại trừ các chẩn đoán:
– Chụp X quang phổi: thường không nghi nhận dấu hiệu bất thường rõ rệt trên phim chụp X quang phổi. Có thể thấy một số dấu hiệu dày tổ chức kẽ phế quản xung quanh các mạch máu, phế quản, khi đó trên kết quả X quang phổi thường được ghi nhận dấu hiệu: “phổi bẩn”. Việc chụp X quang phổi là rất cần thiết giúp loại trừ các căn nguyên ho kéo dài do các bệnh có tổn thương ở nhu mô phổi (lao phổi, ung thư phổi, viêm phổi kẽ …) hoặc các bệnh lý phế quản như giãn phế quản …
– Đo chức năng thông khí phổi: là thăm dò quan trọng giúp phân biệt chẩn đoán viêm phế quản mạn tính. Những trường hợp ho kéo dài, không có tổn thương nhu mô phổi, sau khi loại trừ hết các căn nguyên gây ho khác. Nếu kết quả đo chức năng thông khí phổi bình thường: bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản mạn; trong khi nếu thấy hình ảnh rối loạn thông khí tắc nghẽn: bệnh nhân được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
– Nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày: là những thăm dò cần thiết giúp loại trừ các nguyên nhân gây ho kéo dài như viêm xoang, viêm mũi họng, trào ngược dạ dày – thực quản;
3. Chẩn đoán xác định viêm phế quản mạn tính:
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính khi có đầy đủ các biểu hiện sau:
– Bệnh nhân có ho, khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng mỗi năm, và kéo dài liên tiếp trong ít nhất 2 năm;
– Kết quả đo chức năng thông khí phổi: bình thường;
– X quang phổi: không thấy hình ảnh tổn thương của các bệnh lý khác;
– Kết quả nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày: bình thường.
Như vậy, có thể thấy, nhìn chung chẩn đoán viêm phế quản mạn tính hiện nay khá ít gặp, mà chủ yếu là các chẩn đoán khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản …
4. Điều trị viêm phế quản mạn tính
Tránh yếu tố nguy cơ có thể gây bùng phát các đợt cấp của bệnh: các bệnh nhân có bệnh viêm phế quản mạn tính cần tránh các yếu tố sau:
– Không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc, khói bếp, các môi trường nhiều khói, bụi …
– Tránh lạnh, ẩm; trong những điều kiện buộc phải ra ngoài môi trường lạnh, ẩm thì nên quấn khăn kín cổ, đeo khẩu trang;
– Tránh gió lùa trong nhà;
– Nên tiêm vaccin phòng cúm hàng năm. Thời gian tiêm tốt nhất là vào tháng 9 hàng năm. Việc tiêm vaccin phòng cúm giúp giảm đáng kể tần xuất các đợt cấp của bệnh;
– Cũng có thể dùng các sản phẩm thay thế vaccin phòng cúm như các chế phẩm vi khuẩn đông khô, dùng thường xuyên giúp tạo kháng thể ngăn ngừa nhiễm một số chủng vi khuẩn gây các đợt nhiễm trùng đường hô hấp.
Dùng kháng sinh:
– Cân nhắc dùng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản mạn khi có những đợt cấp, bệnh nhân có khạc đờm màu vàng, màu xanh, hoặc đờm mủ (đây là những trường hợp bệnh nhân có đợt cấp thường do căn nguyên vi khuẩn)
– Các kháng sinh thường được ưu tiên dùng bao gồm”
o Kháng sinh nhóm amoxillin;
o Kháng sinh nhóm cephalosprin thế hệ I, thế hệ II, thế hệ III
o Kháng sinh nhóm macrolide;
o Kháng sinh nhóm quinolone;
o Dạng kết hợp amoxillin/ acid clavunalic
– Thời gian dùng kháng sinh: thường kéo dài 7-10 ngày
5. Phòng bệnh:
Để tránh mắc viêm phế quản mạn tính, cần thực hiện các biện pháp sau:
– Không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc, bụi nghề nghiệp;
– Tránh lạnh, ẩm;
– Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp;
– Vệ sinh răng, miệng thường xuyên
TS. Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng
Tin liên quan ...
- Vai trò của cúm trong bệnh hen phế quản 11/02/2017
- Tại sao nhiễm trùng hô hấp hay gặp vào mùa lạnh ? 24/01/2015
- Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường hô hấp 24/01/2015
- Các bệnh hô hấp thường gặp trong mùa lạnh 24/01/2015
- Tại sao dùng kháng sinh không đáp ứng ? 24/01/2015