Tại sao dùng kháng sinh không đáp ứng ?
Tôi bị sốt, ho, khạc đờm vàng đặc. Tôi tự đi mua kháng sinh dùng liên tiếp hai đợt, đợt đầu dùng Amoxillin 0,5g x 4 viên/ ngày, dùng trong 7 ngày; sau đó dùng tiếp 1 đợt: Erythromycin 0,25g x 6 viên/ ngày, dùng trong 7 ngày. Sau hai đợt kháng sinh này, tôi vẫn ho, khạc đờm vàng đặc. Tại sao lại như vậy ?
Trả lời:
Trong tình huống của bạn có rất nhiều điểm không phù hợp
1. Bạn bị ho, khạc đờm vàng đặc, sau đó bạn tự mua kháng sinh: đây là điều không nên, việc tự mua kháng sinh thường dẫn tới dùng thuốc không phù hợp, dùng không đúng thuốc, từ đó dẫn tới việc điều trị không hiệu quả, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của các bệnh nhân
2. Bạn dùng hết đợt kháng sinh thứ nhất, thấy không đỡ, lại tiếp tục mua đợt kháng sinh thứ hai: đây cũng là điểm không phù hợp. Lẽ ra trong tình huống này, bạn nên đi khám bác sỹ ngay, để có chẩn đoán và điều trị phù hợp
Việc không đáp ứng với điều trị trong tình huống của bạn có thể do một số nguyên nhân sau:
1. Không đánh giá đúng chẩn đoán bệnh: biểu hiện sốt, ho, khạc đờm vàng đặc là biểu hiện của nhiễm trùng hô hấp, tuy nhiên, có rất nhiều bệnh có thể có những biểu hiện tương tự như: áp xe phổi, viêm phổi, tràn mủ màng phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có những bệnh cần thời gian điều trị dài ngày như áp xe phổi, hoặc đôi khi cần dùng kết hợp kháng sinh như: áp xe phổi, viêm phổi nặng, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính … Do không có chẩn đoán chắc chắn về bệnh, cũng như mức độ nặng của bệnh, nên có thể, việc dùng kháng sinh không phù hợp, dẫn đến không đáp ứng điều trị
2. Vi khuẩn kháng thuốc: hiện trạng kháng kháng sinh của Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng; nhiều trường hợp vi khuẩn đã kháng với nhiều kháng sinh .. nếu mang những kháng sinh đã có kháng thuốc dùng cho bệnh nhân sẽ dẫn tới việc không đáp ứng điều trị
3. Bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp, nhưng do những tác nhân như nấm, lao … những bệnh này không đáp ứng với kháng sinh
4. Không phải bệnh nhiễm trùng hô hấp, hoặc không phải nhiễm trùng hô hấp đơn thuần: như bệnh nhân bị ung thư phổi gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến viêm phổi sau tắc nghẽn, trường hợp này người bệnh có khạc đờm kéo dài …
Trong trường hợp của bạn, tốt nhất bạn nên đến khám bác sỹ ngay, để có hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp
TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Vai trò của cúm trong bệnh hen phế quản 11/02/2017
- Corticoid làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi có đáp ứng viêm mạnh ? 22/02/2015
- Đánh giá vi khuẩn học và nguy cơ viêm phổi khi dùng các thuốc ức chế bơm proton 15/02/2015
- Kháng sinh Linezolid so với Glycopeptide trong điều trị viêm phổi bệnh viện do Staphylococcus aureus nghi kháng Methicillin 15/02/2015
- Procalcitonin và Protein phản ứng C ở những bệnh nhân người lớn bị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng hoặc đợt cấp hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 15/02/2015