Vai trò của chụp cắt lớp vi tính ngực trong chẩn đoán u phổi
Chụp Cắt lớp vi tính ngực có giá trị rất lớn trong chẩn đoán u phổi, cả trong chẩn đoán xác định, đồng thời đánh giá chi tiết các đặc điểm, tính chất của tổn thương
Năm 1973, Hounsfield cho ra đời chiếc máy chụp cắt lớp vi tính đầu tiên dùng để chụp cắt lớp vi tính sọ não. Năm 1993, xuất hiện máy chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc đầu tiên. Gần đây có các máy chụp cắt lớp vi tính đa đầu dò (MSCT), mở ra kỷ nguyên mới cho chụp cắt lớp vi tính. Với các máy chụp cắt lớp vi tính như hiện nay có thể thực hiện:
– Chụp cắt lớp vi tính thường quy chỉ định trong chẩn đoán các đám mờ ở phổi
– Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao, lớp mỏng 1mm: hữu ích trong chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ, viêm bạch mạch do ung thư…
– Chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc, tái tạo hình ảnh không gian 3 chiều: hữu ích trong chẩn đoán các khối u phế quản gốc, khí quản.
– Chụp cắt lớp vi tính đa đầu dò, tái tạo ảnh không gian 3 chiều: đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán các khối u phế quản gốc, khí quản. Các thế hệ đầu tiên có 2 đầu dò, hiên nay có các máy với 32, 64, 128 đầu dò. Với các máy có từ 32 đầu dò trở lên với tái tạo ảnh không gian 3 chiều đã có thể thấy được các động mạch động mạch phổi nhỏ, động mạch vành như “chụp động mạch vành ảo” và cho phêp quan sát hệ thống khí phế quản như “nội soi ảo”.
Độ nhạy của chụp cắt lớp vi tính tuy cao, nhưng độ đặc hiệu lại thấp do không cho phép chẩn đoán tính chất mô bệnh học của tổn thương như phân biệt u lành với u ác.
Chụp cắt lớp vi tính có vai trò đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán xác định các đám mờ ở phổi, phối hợp với tiêm thuốc cản quang, hình ảnh chụp còn cho biết các tổn thương có ngấm thuốc cản quang hay không, những tổn thương có ngấm thuốc, điều này đồng nghĩa với việc có phân bố mạch máu trong đó nhiều, và gần với chẩn đoán ung thư hơn, ngược lại, những tổn thương không, hoặc ngấm rất ít thuốc thì ít có nguy cơ ung thư hơn.
Bên cạnh việc cho phép đánh giá chi tiết hơn các tổn thương của u phổi, chụp cắt lớp vi tính còn tránh bỏ sót tổn thương. Nhiều nghiên cứu nhận thấy, chụp X quang phổi thường có thể bỏ sót 30% tổn thương, nhưng những tổn thương này lại dễ dàng được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính
Như vậy, chụp cắt lớp vi tính có những giá trị chủ yếu sau:
– Phát hiện những tổn thương có thể gây bỏ sót trên X quang phổi;
– Đánh giá chi tiết hơn về các đặc điểm tổn thương, bờ tổn thương, kích thước tổn thương, khả năng bắt thuốc cản quang …
TS. Nguyễn Thanh Hồi
Tin liên quan ...
- Nội soi phế quản trong chẩn đoán ung thư phổi 07/03/2020
- Vai trò của các dấu ấn ung thư trong chẩn đoán ung thư phổi 08/01/2016
- Các biến chứng thường gặp trong sinh thiết u phổi xuyên thành ngực 03/01/2016
- Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán u phổi 03/01/2016
- PET CT là gì và vai trò trong chẩn đoán ung thư phổi 02/01/2016