Để chẩn đoán viêm phổi mắc phải ở bệnh viện cần dựa vào những yếu tố nào ?
Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện là nỗi khiếp sợ không chỉ với bệnh nhân mà với ngay cả các nhân viên y tế, do vậy bệnh cần được chẩn đoán và điều trị rất kịp thời mới hy vọng cứu sống bệnh nhân
Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện là bệnh lý nặng, việc chẩn đoán cần đặt ra sớm và cần được chẩn đoán đúng, có nhu vậy mới đảm bảo kết quả điều trị. Chẩn đoán xác định bệnh nhân có viêm phổi mắc phải ở bệnh viện thường dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng sau:
Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của viêm phổi mắc phải ở bệnh viện
Xuất hiện các triệu chứng của viêm phổi sau 48 giờ nhập viện
Triệu chứng lâm sang của viêm phổi mắc phải ở bệnh viện bao gồm:
– Sốt: sốt cơn 38 0C – 40 0C tuỳ theo từng bệnh nhân, những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch có thể không có sốt. Đôi khi triệu chứng sốt khá kín đáo, chỉ phát hiện qua cặp nhiệt độ hàng ngày, đặc biệt với những bệnh nhân hôn mê, rối loạn ý thức hoặc đang thở máy.
– Thay đổi màu sắc đờm hoặc dịch tiết đường hô hấp: bệnh nhân có thể xuất hiện khạc đờm màu vàng, màu xanh hoặc đờm đục. Với những bệnh nhân đang thở máy có thể thấy thay đổi màu sắc dịch tiết đường hô hấp khi hút đờm hàng ngày.
– Ho xuất hiện hoặc ho tăng lên ở những bệnh nhân đã có biểu hiện ho từ trước.
– Đau ngực: khá thường gặp, đau ngực bên tổn thương.
– Khó thở xuất hiện và tăng dần. Xuất hiện suy hô hấp ở những bệnh nhân đã có khó thở từ trước đó.
– Khám phổi: có thể thấy những dấu hiệu của bệnh lý viêm phổi như hội chứng đông đặc, tuy nhiên hầu hết các trường hợp chỉ thấy ran ẩm, ran nổ vùng tổn thương.
Triệu chứng xét nghiệm:
– Công thức máu: có thể thấy số lượng bạch cầu tăng (>10 Giga/lít), Bạch cầu đa nhân trung tính tăng trên 85%. Những trường hợp nặng hoặc có suy giảm miễn dịch thấy bạch cầu giảm (<4Giga/lít).
– Máu lắng tăng.
– Phim chụp X quang phổi:
+ Hội chứng lấp đầy phế nang với dấu hiệu phế quản hơi, thể tích thuỳ phổi viêm không nhỏ lại, bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ, tổn thương mới xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên, có thể kèm theo tràn dịch màng phổi.
+ Những nốt mờ mới dạng thâm nhiễm xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên phổi.
– Các biện pháp tìm vi khuẩn gây bệnh:
+ Cấy máu cần thực hiện sớm trước khi dung kháng sinh, cấy máu ít nhất 3 lần ở tất cả các bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
+ Đờm, dịch phế quản: nhuộm gram để tìm hình ảnh vi khuẩn trước, sau đó tiến hành cấy để tìm vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để tìm ra kháng sinh còn nhạy cảm để điều trị. Cần cấy cả trên môi trường ái khí và yếm khí.
+ Bệnh phẩm qua nội soi phế quản ống mềm: rửa phế nang vùng phổi tổn thương, chải phế quản bằng ống thông có nút bảo vệ.
+ Chải phế quản mù bằng ống thông có nút bảo vệ khi không làm được nội soi phế quản ống mềm.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan ...
- Corticoid làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi có đáp ứng viêm mạnh ? 22/02/2015
- Đánh giá vi khuẩn học và nguy cơ viêm phổi khi dùng các thuốc ức chế bơm proton 15/02/2015
- Kháng sinh Linezolid so với Glycopeptide trong điều trị viêm phổi bệnh viện do Staphylococcus aureus nghi kháng Methicillin 15/02/2015
- Procalcitonin và Protein phản ứng C ở những bệnh nhân người lớn bị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng hoặc đợt cấp hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 15/02/2015
- Nhiễm khuẩn hô hấp – Thực trạng và thách thức 15/02/2015