Ô nhiễm không khí có gây ung thư phổi ?

Bên cạnh khói thuốc lá, thuốc lào: ô nhiễm môi trường với các khói, bụi công nghiệp, các hóa chất độc hại ... cũng là nguyên nhân gây ung thư phổi

Nguy cơ mắc ung thư phổi ngày càng tăng theo quá trình công nghiệp hoá và ô nhiễm môi trường. Người ta nhận thấy rằng ung thư phổi phát sinh nhiều hơn ở những nước có nền công nghiệp và giao thông vận tải phát triển, trong từng nước tỷ lệ ung thư phổi ở thành thị cao hơn ở vùng nông thôn. Nghiên cứu thực nghiệm và phân tích hoá học đã chứng minh nguyên nhân sinh ung thư của những chất thải ra của công nghiệp. Các bụi amiante, berylli khi bị hít vào phổi làm tăng khả năng mắc ung thư phổi, đặc biệt là ung thư màng phổi. Công nhân khai thác hoặc tiếp xúc thường xuyên với amiante có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 7 lần người không tiếp xúc. Radon và amiante hiệp đồng tác dụng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Sự tiếp xúc với niken, crom, sắt, thạch tín, than, nhựa, khí đốt, dầu mỏ, khói động cơ diezen cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh.
Coyle YM và cộng sự (2006), nghiên cứu trên 81.132 trường hợp ung thư phổi ở Texas – Mỹ từ năm 1995 – 2000, nhận thấy hít phải không khí có chứa kẽm, đồng và chrom có liên quan tới tỷ lệ ung thư phổi.
Bên cạnh đó, gần đây, Hung HS và cộng sự (2007) đã chỉ ra rằng hơi bốc lên từ dầu nấu (cooking oil fumes) làm ức chế các protein trong chu trình chết theo chương trình, do vậy làm tốc độ phát triển của các tế bào ung thư phổi nhanh hơn.
Ramanakumar AV và cộng sự (2007) nhận thấy, những phụ nữ có tiếp xúc thường xuyên với các chất đốt sưởi ấm hoặc đun nấu có nguy cơ ung thư phổi cao hơn gấp 2,5 lần so với những đối tượng không tiếp xúc thường xuyên.
TS. Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng
Tham khảo tại: Ngô Quý Châu, Chu Thị Hạnh, Nguyễn Thanh Hồi và cộng sự; “Ung thư phổi”. Nhà xuất bản Y học (2009)

Tin liên quan ...